Vài năm gần đây phân khúc bất động sản công nghiệp khởi sắc khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án khu công nghiệp. Bằng chứng cụ thể, trong đầu năm 2023, nhiều địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang đều khởi công xây dựng hoặc kêu gọi dự án khu công nghiệp.
Với sự đi lên và khả năng thu hút vốn từ cả trong và ngoài nước của thị trường bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh về phát triển khu công nghiệp đều đặt mục tiêu “khủng” về mặt doanh thu và lợi nhuận.
Một trong số đó có thể nhắc tới CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) - doanh nghiệp do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch. Cụ thể, trong báo cáo thường niên 2022, KBC đã công bố kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 với kỳ vọng lợi nhuận tăng đột biến lên 4.000 tỷ đồng, kế hoạch doanh thu cũng gấp 9 lần lên 9.000 tỷ đồng.
Mặc dù hưởng lợi lớn từ làn sóng chuyển dịch khu công nghiệp từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng hoạt động kinh doanh của KBC vẫn không được như kỳ vọng.
Theo đó, Sau khi công bố đính chính thông tin trong báo cáo tài chính quý 4.2023, một loạt chỉ tiêu kinh doanh của KBC đều sụt giảm.
Cụ thể, theo nội dung đính chính mới được công bố của KBC thể hiện, doanh thu thuần giảm từ gần 1.094 tỷ đồng giảm xuống còn 846 tỷ đồng. Đồng thời, giá vốn bán hàng giảm từ 606 tỷ đồng xuống 470 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp giảm từ 487 tỷ đồng xuống 376 tỷ đồng sau đính chính.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, KBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau đính chính là hơn 131 tỷ đồng (trong khi trước đó là gần 150 tỷ đồng).
Theo giải trình của KBC, lợi nhuận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 4.2023 là 131 tỷ đồng, đã tăng lên hơn 690 tỷ đồng so với mức lỗ cùng kỳ năm 2022 là 558 tỷ đồng là nhờ công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp.
Lý giải cho việc để xảy ra nhầm lẫn trên, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP cho biết do sơ suất bị lỗi tại trang số 5 và số 6 của báo cáo tài chính liên quan đến cột báo cáo kết quả kinh doanh quý 4.2023 gây ra chênh lệch.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần của KBC tăng gấp 6 lần so với năm trước, ghi nhận đạt mức 5.644 tỷ đồng nhưng còn cách xa mục tiêu 9.000 tỷ đồng. Theo thuyết minh cho thấy, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu là doanh thu từ mảng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng với hơn 5.247 tỷ đồng; doanh thu cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ, xử lý nước thải mang về cho công ty 387 tỷ đồng; tiếp đến là doanh thu cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng với 145 tỷ đồng và doanh thu chuyển nhượng bất động sản gần 105 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí và thuế, KBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 2.218 tỷ đồng, tăng gần 41% so với năm trước. Như vậy, trong năm 2023, KBC chỉ đạt 55% mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Tại thời điểm kết thúc năm 2023, tổng tài sản hợp nhất của KBC là 33.420 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với đầu năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho chiếm tới 37% tổng tài sản với 12.211 tỷ đồng gồm nhiều dự án lớn.
Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả giảm 22% so với đầu năm còn 13.226 tỷ đồng. Tính riêng nợ vay tài chính là hơn 3.659 tỷ đồng, chiếm 11% nguồn vốn của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (Saigontel) - một hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái của KBC chuyên về phát triển bất động sản khu công nghiệp cũng có một năm kinh doanh kém sắc.
Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.308 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 46,2 tỷ đồng, giảm 40,1% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã không hoàn thành kế hoạch khi mới thực hiện chưa đến 1/5 mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023 đề ra (lãi trước thuế 412 tỷ đồng).
Kinh doanh tụt dốc, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigontel trong năm 2023 còn âm kỷ lục 1.286 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 141 tỷ đồng. Để bù đắp sự thiếu hụt này, công ty buộc phải gia tăng vay nợ. Dòng tiền từ hoạt động tài chính ghi nhận dương 1.468 tỷ đồng trong năm 2023.