Hướng dẫn cụ thể trường hợp sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích

- Thứ Tư, 06/03/2024, 17:19 - Chia sẻ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định thi hành triển khai Luật Đất đai, trong đó quy định cụ thể về việc phổ biến, tập huấn luật, cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, bộ ngành, chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ này.

Agribank hân hạnh đồng hành cùng tọa đàm

Hướng dẫn cụ thể trường hợp sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích -0
Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Bình phát biểu

Theo Kế hoạch, Luật Đất đai sẽ có 9 Nghị định và 6 thông tư hướng dẫn. Theo thống kê có 52 nội dung của luật giao quy định trong Nghị định, bao gồm việc phân loại đất, xác định loại đất, xác định người sử dụng đất nông nghiệp, các quy định về quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phát triển quỹ đất...

Theo ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, về đất nông nghiệp, hầu hết được quy định ở nghị định chung. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được xác định rõ là những người không có nghề gì khác, và sinh kế chủ yếu bằng nông nghiệp. Nếu không có đất sẽ rủi ro cho cuộc sống của họ. Sẽ có nhiều quy định về hỗ trợ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhất là quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, trong đó có hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Ngoài ra đất sản xuất nông nghiệp còn thể hiện ở việc quy hoạch, chỉ tiêu đất trồng lúa, chỉ tiêu đất quốc gia và phải bảo vệ được toàn bộ diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Quy hoạch của các địa phương phải phân bổ đúng chỉ tiêu quốc gia về diện tích đất trồng lúa.

Ông Bình cho rằng, về giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thỏa thuận quyền sử dụng đất thì phải hướng dẫn trong trường hợp nào doanh nghiệp thỏa thuận với người dân để nhận chuyển đổi đất trồng lúa. Trong luật đã quy định chặt chẽ, doanh nghiệp nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển nhượng phải có phương án sử dụng đất, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Và chúng ta phải kiểm soát các phương án đó.

Ngoài ra, các cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mà nhận quyền sử dụng đất trồng lúa, nếu vượt quá hạn mức phải có phương án và thành lập tổ chức kinh tế. Do đó, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Vậy, câu hỏi đặt ra, trong hạn mức nhưng không sử dụng đúng mục đích thì sao? Trường hợp này là đầu cơ. Do đó, việc xử lý sẽ căn cứ vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Bởi vì căn cứ xử phạt hành chính nếu vi phạm lần 1 rồi mà vẫn còn tiếp tục vi phạm thì sẽ thu hồi đất. Điều này, đòi hỏi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các địa phương. Việc này phải tiến hành thường xuyên để sớm phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm xảy ra.

Cùng với đó, theo ông Bình là phải có quy định cụ thể về tập trung tích tụ đất đai. Đặc biệt, phải hướng dẫn cụ thể trường hợp sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình đóng góp ý kiến. Trên cơ sở đó sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn để sớm triển khai Luật Đất đai trong cuộc sống.

Lê Hùng
#