Phù hợp với xu hướng thế giới
Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí chiếm 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng 20%, 19,5% và 18,5%).
Sử dụng điện khí LNG là phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định. Khí LNG đóng vai trò là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc hướng đến phát triển bền vững và trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, điện khí LNG có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng tại nước ta. Cung ứng điện đến năm 2030 đối mặt với thách thức rất lớn - vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải. Đồng thời, phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
Do đó, phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay, ông Phong nhấn mạnh.
Đầu tư xây dựng kho cảng LNG
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG, không dễ dàng, khó thực hiện một sớm một chiều. Bởi theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, các dự án điện khí LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, hiện chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại nhiều biến động. Đồng thời, cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu...
Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, điện LNG là “chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống - nhà máy điện. Chúng ta cần có kết cấu hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn, ông Tạ Đình Thi nói. Việc quan trọng nữa là tính toán, xác định cơ chế giá điện khí để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án điện, đặc biệt là các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí trong nước.
Để thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện 8, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến kết cấu hạ tầng và cơ chế chính sách, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh.
Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư. Đồng thời, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Cơ chế chính sách cho điện khí LNG phải rõ ràng, khả thi để các nhà đầu tư yên tâm “rót vốn”.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho cảng LNG, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính... Đây là nguyên nhân cơ bản gây nên sự chậm chễ trong triển khai các dự án LNG trong thời gian qua.