Toàn ngành vẫn duy trì xuất siêu 5,88 tỷ USD
Ngày 15.8 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn về một số vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong đó, nội dung chất vấn lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm: giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” IUU; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt cao kỷ lục 53,53 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021; thặng dư thương mại toàn ngành đạt 8,68 tỷ USD, tăng 32,7% so với năm 2021.
Bảy tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%; đầu vào sản xuất đạt 1,13 tỷ USD, giảm 25,1%.
Tuy vậy, “toàn ngành vẫn duy trì xuất siêu 5,88 tỷ USD và các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết. Trong đó, có 4 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả: đạt 3,2 tỷ USD, tăng 68,1%; gạo: 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; cà phê: 2,76 tỷ USD, tăng 6%; hạt điều: 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%.
Cũng trong 7 tháng qua, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của nước ta; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 20,4%, giảm 29,3%; Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 6,9%.
Thêm thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các khó khăn trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm. Tuy vậy, “một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, như: Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng lên canh tác nông nghiệp; sáng kiến ngũ cốc biển Đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị tại châu Phi và Ucraina tiếp tục kéo dài…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ tập trung cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...); mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi...; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch; bên cạnh đó, chỉ đạo sản xuất linh hoạt, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và bảo đảm nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu;
Về dài hạn, Bộ ưu tiên chỉ đạo triển khai hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai: “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025”; “bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ”; “thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”…
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Sẽđẩymạnh đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản
“Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 19/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng; trong đó, tập trung các nội dung, đột phá sau:
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Định hướng các địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...); mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi...; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành năm 2023. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành.
Phát triển thị trường lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường; gắn nhiệm vụ đào tạo với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện, trường.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan