Ra mắt thị trường game online Việt Nam vào năm 2013, Gamota (thuộc Appota Group) liên tục phát hành các game có cốt truyện của Trung Quốc.
Đi lên từ những game nhập vai có cốt truyện Trung Quốc nên Gamota dễ dàng được người chơi đón nhận vì thời điểm những năm 2013-2018, loại game nhập vai kiếm hiệp, cày level vẫn được thịnh hành trước khi cơn bão eSport càn quét.
Đến thời điểm hiện tại, nhà phát hành này đứng trong top 3 phát hành game ở thị trường Việt Nam. với hơn 70 tựa game được ra mắt và sở hữu một cộng đồng game thủ vô cùng lớn mạnh, lên đến hơn 10 triệu user cả ở trong nước và quốc tế.
Việc gamota ồ ạt phát hành các game có nguồn gốc từ Trung Quốc, thậm chí là phát hành khi chưa được cấp phép đã mang về nguồn thu lớn cho Appota Group.
Tuy nhiên, dù có nguồn thu “khủng” nhưng gamota gây bất ngờ khi con số thuế đóng góp cho ngân sách Nhà nước vô cùng “hẻo” thậm chí là có giai đoạn bằng “0 đồng”.
Dữ liệu tài chính thể hiện, giai đoạn 2018 đến 2022, tổng doanh thu của Gamota đã đạt gần 1.600 tỷ đồng, là một con số đáng mơ ước đối với các nhà phát hành game Việt. Trong giai đoạn nêu trên, đỉnh điểm doanh thu rơi vào năm 2018 khi đạt 370 tỷ đồng và thấp nhất vào năm 2019 chỉ đạt 279 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu lớn như vậy nhưng bằng việc giải trình tiêu tốn vào các chi phí nên Gamota thường xuyên đưa ra khoản lợi nhuận “siêu thấp” thậm chí là lỗ khiến giới kinh doanh không khỏi băn khoăn về việc lợi nhuận của Gamota thất thoát quá nhiều dù có nguồn thu “khủng”.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng,việc 1 công ty chuyên về game đã đạt đến quy mô doanh thu như trên lại bị lỗ là điều bất ngờ. Thêm vào đó, khoản chi phí kinh doanh mà gamota giải trình trên số liệu tài chính cũng “nhỉnh” hơn so với một số doanh nghiệp cùng ngành.
Chính từ việc thường xuyên báo “lãi tượng trưng” và thua lỗ như vậy nên dẫn tới khoản thuế đóng góp cho ngân sách Nhà nước của Gamota chỉ ở mức “siêu hẻo” thậm chí có thời điểm là “0 đồng”. Lý do để giải thích cho tình trạng này là vì lỗ kết chuyển từ các năm trước.
Thực trạng thu “khủng” nhưng nộp thuế “hẻo” của Gamota làm nhiều người không khỏi nghĩ đến câu chuyện của Grab mới đây.
Theo ông Phạm Huy Phong, chuyên gia tài chính, thời gian qua, tình trạng nhiều doanh nghiệp kê khai thua lỗ liên tục, thực hiện hành vi chuyển giá để trốn, tránh nghĩa vụ nộp thuế đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), đồng thời tác động xấu tới môi trường cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung. Kiểm soát, ngăn chặn hành vi này sẽ góp phần chống thất thu NSNN cũng như bảo đảm sự công bằng, minh bạch cho mọi DN làm ăn chân chính. Ðể làm được điều này, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần nhiều nỗ lực mà còn cần cả sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành và địa phương.
Theo đó, tại họp báo thường kỳ quý 2.2023, Bộ Tài chính nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc chấp hành nghĩa vụ thuế của hàng taxi công nghệ Grab.
Nhiều người đặt vấn đề về việc Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam được 9 năm, doanh thu hiện tại đã hơn 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào cho Việt Nam trong khi hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, phí quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).
Thực tế này đặt ra vấn đề về trách nhiệm rà soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab của Tổng cục Thuế cũng như tính hiệu quả của các biện pháp chống chuyển giá, ngăn chặn thất thu thuế hiện nay của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Liên quan vấn đề nêu trên, lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định Bộ Tài chính và ngành thuế luôn quan tâm công tác chống chuyển giá để ngăn thất thu thuế. Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế theo hình thức tự khai tự nộp.
Đối với Grab, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP. Hồ Chí Minh để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè (đơn vị quản lý Công ty TNHH Grab) rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab, đồng thời báo cáo ngay với Cục thuế TP. Hồ Chí Minh để chuyển báo cáo lên Tổng cục Thuế.
Quay trở lại câu chuyện của Gamota thuộc Appota Group, rõ ràng cơ quan chức năng cần có động thái rà soát, kiểm tra để tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo tính công bằng trong thị trường phát hành game online.
Appota Group sáng lập bởi ông Đỗ Tuấn Anh, năm 2011, ông Tuấn Anh xây dựng Appota ban đầu như một kho tải các ứng dụng di động, tương tự mô hình App Store, dựa trên kinh nghiệm kinh doanh liên quan tới di động và dịch vụ số trên di động trước đó.
Năm 2013, Appota thông qua pháp nhân Gamota phát hành game online đầu tiên thuộc thể loại kiếm hiệp cốt truyện Trung Quốc mang tên Ải Mỹ Nhân. Liên tiếp trong hai năm sau, Appota có mặt trong top ba các nhà phát hành Việt có số lượng game mới nhiều nhất. Nhìn thấy thị hiếu của người chơi tại Việt Nam ưa thích loại game thuộc thể loại nhập vai người chơi (Massively Multiplayer Online Role-Playing Game – MMORPG), Gamota liên tục ra mắt nhiều game trong thể loại này để thu hút và giữ chân người chơi. Tru Tiên Mobile 3D, Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ thiên đồ long ký… là những game nhập vai tạo nên tên tuổi của Gamota.
Sau khi tiến vào top ba các nhà phát hành game, Appota công bố gọi vốn thành công series B từ GMO Global Payment Fund (Nhật Bản) và Golden Gate Ventures vào năm 2014. Trước đó, họ từng nhận vốn series A từ VNP Group vào khoảng năm 2012.