Tận dụng "thời điểm vàng" cứu sống bệnh nhân
Vừa qua, Trung tâm Y tế (TTYT) Quân - Dân y huyện Côn Đảo đã phẫu thuật thành công và cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, chấn thương ngực, bụng, nghi vỡ tạng. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Lê Công Thọ, Phó Giám đốc TTYT Quân - Dân y huyện Côn Đảo tổ chức hội chuẩn với Bệnh viện Bà Rịa qua hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu dành cho hồi sức cấp cứu (Tele-ICU). Sau khi hội chuẩn nhanh, bác sĩ Lê Công Thọ tiến hành mổ cấp cứu; ca phẫu thuật thực hiện trong 4 giờ và đã thành công, cứu sống bệnh nhân.
Được biết, hệ thống Tele-ICU đã kết nối giữa TTYT huyện Côn Đảo và Bệnh viện Bà Rịa từ tháng 7.2020. TTYT cung cấp đầy đủ thông tin dữ liệu lâm sàng từ máy thở, monitor, bệnh án điện tử… của bệnh nhân, từ đó, bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị, hướng dẫn các bác sĩ tại Côn Đảo tận dụng tốt “thời điểm vàng” để cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.
“Đến nay, nhiều ca bệnh khó của ngoại, sản khoa, chúng tôi đều trực tiếp phẫu thuật, không còn chuyển tuyến từ đảo về đất liền” - bác sĩ Lê Công Thọ phấn khởi chia sẻ.
Còn tại huyện Xuyên Mộc, từ Đề án 1816, TTYT huyện ngoài cử nhân viên y tế đi đào tạo và nâng cao trình độ về lọc thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) còn tham gia học tập kinh nghiệm ở Bệnh viện Bà Rịa để triển khai thực hiện buồng chạy thận nhân tạo từ năm 2017. Điều này đáp ứng nguyện vọng và giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Bác sĩ Trần Ngọc Yên, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, TTYT huyện Xuyên Mộc cho hay, hiện nay, TTYT có 1 buồng lọc thận nhân tạo do 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng đảm nhận công tác chuyên môn. Với 11 máy, trong đó có 1 máy dành cho bệnh nhận lọc thận nhân tạo nhiễm Covid-19, trung bình chạy 5.136 lượt/năm, giảm tỷ lệ chuyển tuyến 97%.
Người dân hưởng lợi
Thời gian qua, Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Vũng Tàu đã đón nhiều lượt cán bộ từ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy… đến chuyển giao các kỹ thuật cao.
Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương cho biết, năm 2022, bệnh viện tiếp tục đặt mục tiêu thực hiện phẫu thuật tim hở với sự đồng hành, hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau thời gian chuẩn bị, từ trung tuần tháng 2.2022, Bệnh viện Bà Rịa đã tiến hành khám sàng lọc những bệnh nhi nghi ngờ mắc bệnh lý về tim, để xác định bệnh lý và có hướng điều trị kịp thời. Qua sàng lọc có 20/60 ca có thể tiến hành phẫu thuật ngay tại Bệnh viện.
“Trước mắt, Bệnh viện sẽ nhờ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ, sau đó sẽ từng bước làm chủ kỹ thuật. Bệnh viện cũng sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; cử nhân sự đi cập nhật kiến thức mới và đặc biệt là mời chuyên gia tuyến trên về cầm tay chỉ việc cho bác sĩ tại Bệnh viện Bà Rịa” - bác sĩ Nguyễn Văn Hương nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu, trong năm 2021, Bệnh viện triển khai được nhiều kỹ thuật cao thuộc tuyến Trung ương như phẫu thuật nội soi cắt đại tràng, cắt khối tá tụy, nội soi thoát vị bẹn… Số ca phẫu thuật tăng hơn so với năm 2020. Đến cuối năm 2021, Bệnh viện Vũng Tàu đã thực hiện được 24,8% kỹ thuật tuyến Trung ương; 72,31% kỹ thuật ngang tuyến. Trong 2 năm (2020 và 2021), Bệnh viện đã tuyển gần 100 bác sĩ và cử 140 lượt y, bác sĩ đi đào tạo tại tuyến trên, bảo đảm triển khai các kỹ thuật. Đặc biệt, từ 19.3, Bệnh viện Vũng Tàu chuyển đến cơ sở mới được đầu tư quy mô về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, là điều kiện thuận lợi để Bệnh viện từng bước làm chủ các kỹ thuật điều trị chuyên sâu.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho hay, Đề án 1816 được chính thức triển khai từ tháng 5.2008 và duy trì liên tục cho đến nay, đã góp phần làm chuyển biến về chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến dưới. Đề án chuyển giao khoa học kỹ thuật và dịch vụ chăm sóc phù hợp với từng tuyến y tế; chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt; giảm tải cho tuyến trên. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn, tạo sự công bằng trong khám, chữa bệnh tại các tuyến.
“Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số kỹ thuật đề xuất tuyến trên chuyển giao nhưng do thiếu nhân lực, dịch bệnh bùng phát nhiều đợt, nên các Bệnh viện tuyến trên không hỗ trợ được theo kế hoạch. Bên cạnh đó, nhân lực bác sĩ tại các TTYT tuyến huyện còn thiếu, thiếu bác sĩ chuyên sâu nên việc tiếp nhận kỹ thuật tuyến tỉnh chuyển giao còn hạn chế. Mặc dù vậy, lợi ích từ việc triển khai 2 đề án không hề nhỏ. Minh chứng là trình độ chuyên môn năng lực của cán bộ y tế tuyến dưới không ngừng được nâng cao, bệnh tật được phát hiện sớm, được can thiệp điều trị đúng, kịp thời đã giúp giảm thiểu chi phí, giảm tỷ lệ chuyển tuyến” - bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế khẳng định.