Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, nhận xét và kiến nghị

- Thứ Hai, 20/02/2023, 06:05 - Chia sẻ

Nguyễn Ngọc Trân - GS. TSKH, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa IX, X, XI.

Một năm sau khi được khánh thành, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (dưới đây gọi tắt Dự án) ra sao? Sau phần cung cấp và phân tích thông tin, bài viết nêu lên bốn nhận xét và kiến nghị.

Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và phúc đáp của Bộ NN - PTNT

Sau khi Dự án được long trọng khánh thành ngày 5.3.2022, trong một bài viết [1] tác giả đã nêu lên một số băn khoăn về Dự án có thể dẫn đến tình trạng “lao đã phóng ắt phải theo” mà không biết khi nào hoàn thành, với tổng kinh phí bao nhiêu, và một số nội dung cần quan tâm để vốn đầu tư công được sử dụng có hiệu quả. Bài viết đã được gửi đến Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Ngày 6.5.2022, tác giả nhận được Văn bản số 2805/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN – PTNT) truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ:

1. Giao Bộ NN – PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan đến Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong quá trình đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, bảo đảm hiệu quả đầu tư của Dự án.

2. Bộ NN – PTNT chịu trách nhiệm tiếp thu, giải trình thỏa đáng những vấn đề liên quan đến Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và có văn bản trả lời Giáo sư theo quy định.

Ngày 10.6.2022, tác giả nhận được Văn bản số 3170/BNN-TCTL của Bộ NN - PTNT (dưới đây gọi tắt là Văn bản). Văn bản dài 4 trang với 5 nội dung tóm tắt dưới đây.

(1) Văn bản cho rằng Bộ NN - PTNT ban hành Quyết định 5087/QĐ-BNN-XD ngày 26.12.2018 là phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhận xét: Điều mập mờ cần làm rõ vẫn không được làm rõ. Đó là tại Lễ khánh thành ngày 5.3.2022, Bộ đã tổ chức mừng hoàn thành Dự án Hệ thống Thủy Lợi Cái Lớn – Cái Bé, giai đoạn 1 như trong Giấy mời, hay Dự án Đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đã được Bộ phê duyệt trong Quyết định số 5078/QĐ-BNN-XD ngày 25.12.2018? Tại sao Quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 với tên Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, giai đoạn 1, tại Điều 1, khoản 1?

(2) Về tổng mức đầu tư và thực hiện, Văn bản cho biết: “Tổng mức đầu tư của Dự án theo Quyết định số 5078/QĐ-BNN-XD là 3.309,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực tế thực hiện là 3.190 tỷ đồng, giảm 119 tỷ đồng” (trang 2).

(3) “Giai đoạn 1 của Dự án bao gồm xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé, đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61, cống âu Xẻo Rô; mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, đã hoàn thành trước ngày 31.12.2021” (trang 2).

Nhận xét: Có sự nhầm lẫn nào chăng vì “Giai đoạn 1 của Dự án” không phải là “Dự án giai đoạn 1” (tên chính thức của Dự án).

(4) Về Quy trình vận hành của hệ thống công trình, Văn bản cho biết: “Quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là hai năm, tương ứng với 02 chu trình thử nghiệm” (trang 3). Công văn trả lời cho biết “đã sử dụng mô hình toán mô phỏng, tính toán thủy văn, thủy lực …”.

Nhận xét: Xin ghi nhận để theo dõi và xin được nhắc rằng thử nghiệm, chạy mô hình toán mà không am tường thực tế, không nắm quy luật được ví với trò chơi (games) trên máy tính.

(5) Đánh giá về hiệu quả ban đầu của Dự án sau khi hoàn thành, Văn bản cho biết “Theo đánh giá của các địa phương trong vùng hưởng lợi, các công trình đã đáp ứng tương đối tốt nhiệm vụ chính của Dự án” (trang 3). Sẽ nhận xét dưới đây.

Ý kiến về Văn bản phúc đáp

Coi trọng Văn bản phúc đáp của Bộ NN - PTNT thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tác giả đã tìm hiểu thực tế, tập hợp số liệu trong hai năm 2021 và 2022 (không dễ dàng chút nào trong giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022).  

Thứ nhất, văn bản bỏ quên những sự kiện quan trọng.

+ Trong mùa khô năm 2021 - 2022, vào đầu tháng 11.2021 và đầu tháng 1.2022, khi vận hành hai đợt đóng các cửa cống Cái Lớn và cống Cái Bé đã xảy ra tình trạng dềnh nước phía hạ lưu các cống, dẫn đến tình trạng nước tràn bờ, gây ngập đường sá, ruộng vườn và nhà dân, như có thể thấy qua một số hình dưới đây.

Tình trạng dềnh nước, ngập đường, ruộng vườn và nhà dân khi đóng cống tại các thời điểm nói trên đúng vào lúc triều cường, không được đề cập trong Văn bản, và cũng không được nói đến tại Lễ khánh thành Dự án ngày 5.3.2022.

Khoản kinh phí được khái toán gần 98 tỷ đồng để nâng cao 39,6 km các tuyến đường/đê dọc sông Cái Lớn và Cái Bé cần để chống ngập cũng không được nói đến.

+ Trên địa bàn của công trình, ở xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) cũng đã chịu cảnh ngập vào mùa mưa 2022 trong đợt triều cường tháng 7. Tuy vụ việc xảy ra sau thời điểm Văn bản phúc đáp và sau Lễ khánh thành, nhưng tác giả thấy cần ghi lại để không sót khi đi vào phân tích nguyên nhân. Hình ảnh ngập đường, nhà dân ruộng vườn có thể thấy trong phóng sự của Đài PTTH Kiên Giang ngày 12.7.2022.

Thứ hai, “hoàn thành nhưng còn thử nghiệm” thừa nhận Dự án chưa hoàn thành.

Để có thể khẳng định Dự án đã hoàn thành trước ngày 31.12.2021, chẳng những không nói đến dềnh nước ở hạ lưu khi đóng cống trong tháng 11.2021 và tháng 1.2022, Bộ còn đưa ra một khái niệm và chính thức hóa nó bằng một văn bản pháp quy (một Quyết định của Bộ). Đó là: “hoàn thành nhưng còn thử nghiệm”.  

Trước tiên tại sao còn thử nghiệm khi mà công việc này đáng lý đã phải làm muộn nhất cũng là trong giai đoạn soạn báo cáo khả thi để Dự án được đánh giá tác động môi trường và để được phê duyệt. Vì chưa lường hết tác động của việc đóng cống, hay vì chưa tìm được một quy trình vận hành các cống cho phép thực hiện Mục tiêu Nhiệm vụ của Dự án, đặc biệt trong việc kết nối vận hành hai cống Cái Lớn, Cái Bé với vận hành hàng trăm cống mà ngành thủy lợi đã xây dựng trong những năm 1990, 2000 ở đồng lũ kín Tây sông Hậu? Có thể vì cả hai.

Ở thượng lưu cống là cả trăm cống đang tồn tại. Ở hạ lưu cống là triều cường, nước biển dâng. Có gì bảo đảm sau hai chu kỳ thử nghiệm sẽ tìm được chế độ vận hành hài hòa với trước và sau cống, giúp đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra cho Dự án? Nếu thử nghiệm không thành công thì sao?

Mặc dù vậy báo cáo tác động môi trường của Dự án vẫn được thông qua và Dự án vẫn được phê duyệt. 

Thứ ba, cách dùng từ trong Văn bản cũng thể hiện Dự án chưa hoàn thành.   

+ “Giai đoạn 1 của Dự án đã hoàn thành” không phải là “Dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành” khi tên Dự án giai đoạn 1 là chính thức (Điều 1, khoản 1, Quyết định 5078) mà mục đích, nhiệm vụ được quy định rõ ràng trong Quyết định. Cách dùng từ này trong Văn bản càng làm mập mờ thêm về các giai đoạn, thời gian hoàn thành và tổng vốn đầu tư cho Dự án.

+ Văn bản viết “Theo đánh giá của các địa phương trong vùng hưởng lợi, các công trình đã đáp ứng tương đối tốt nhiệm vụ chính của Dự án” (trang 3).

Sử dụng các cụm từ “tương đối tốt”, “nhiệm vụ chính” phải chăng Bộ thừa nhận rằng mặc dù đã được khánh thành, Dự án Đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đang còn không ít bất cập, mà vận hành thử nghiệm đồng thời với giải quyết hậu quả ngập lụt từ dềnh nước do đóng cống vào thời điểm triều cường là một. Và có lẽ vì vậy cho đến thời điểm hiện tại các địa phương trong vùng dự án chưa thể cùng nhau phân vùng cho sản xuất nông, thủy sản phù hợp với các hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn [2]. Phải chăng Bộ cũng thừa nhận rằng rằng Dự án chưa hoàn thành, và “quá trình vận hành cũng sẽ ít nhiều phát sinh những mâu thuẫn khi khu vực này cần nước ngọt, nơi kia lại cần nước mặn… Để giải quyết những vấn đề này, giai đoạn sắp tới phải có một quy trình vận hành thực sự linh hoạt[3].

Nhận xét chung và Kiến nghị

(1) Vẫn cần làm rõ dù muộn: Dự án đã được Bộ khánh thành ngày 5.3.2022 là dự án nào: Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, hay Dự án Xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1? Nhưng cho dù là dự án nào thì dự án được khánh thành chưa hoàn thành, chế độ vận hành các cống còn đang trong giai đoạn thử nghiệm; việc phối hợp giữa các địa phương còn chưa tiến hành.

(2) Văn bản phúc đáp không phản ánh đúng và đủ thực tế, không đề cập đến một vấn đề lớn mang tính quy luật là dềnh nước khi đóng cống vào lúc triều cường là lúc mà mặn xâm nhập sâu nhất, dẫn đến ngập lụt trên diện khá rộng. Để đối phó đã có kiến nghị bổ sung vào hệ thống các công trình việc đắp/nâng cao gần 40 km tuyến đường/đê dọc hai bờ sông Cái Lớn và Cái Bé.

(3) Theo dõi việc triển khai Dự án chỉ ra ba điều cần xem xét khi quyết định đầu tư một dự án trong tương lai, vì tầm quan trọng của những hệ lụy của chúng:

(3.1) Cho đến nay phổ biến là tổng vốn đầu tư bị “đội lên” rất nhiều so với tổng dự toán trong báo cáo tiền khả thi khi trình Thủ tướng Chính phủ xin duyệt chủ trương đầu tư. Đề khắc phục một cách căn cơ tình hình này, chấm dứt ngân sách nhà nước cứ “phải theo vì lao đã phóng”, cả quy trình, từ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo ĐTM, xét duyệt và nghiệm thu ĐTM, đến phê duyệt dự án, cần làm có chất lượng, được rà soát chặt chẽ, tăng cường tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm trong mỗi công đoạn. Có như vậy mới bảo đảm vốn đầu tư công và ngân sách nhà nước được sử dụng có hiệu quả.

(3.2) Bộ đã đưa ra khái niệm “hoàn thành nhưng còn thử nghiệm”, sau khi xảy ra tình trạng dềnh nước khi đóng cống tháng 11.2021. Để hợp pháp hóa khái niệm và để có thể nói đã hoàn thành dự án đúng thời hạn (ngày 31.12.2021), Bộ NN - PTNT đã ban hành một văn bản pháp quy, Quyết định 4789/BNN-TCTL ngày 6.12.2021, phê duyệt quy trình vận hành tạm thời, quy định thời gian thử nghiệm, … Khái niệm “hoàn thành nhưng còn thử nghiệm”, nếu được cho qua, sẽ được nhiều dự án khác làm theo, vì vậy cần được xem xét tính khoa học, pháp lý và thực tiễn, cũng như dưới góc độ ban hành các văn bản pháp quy.

 (3.3) Một dự án có tổng mức đầu tư đến 3.300 tỷ đồng vào một địa bàn phức tạp, tác động sâu sắc đến môi trường, đến cuộc sống của cả triệu người dân mà việc triển khai chỉ “gói gọn” đóng khung trong Tổng cục Thủy lợi [4]. Tiền lệ này không nên lặp lại vì khó bảo đảm chất lượng về mặt khoa học, tính khách quan, căn cơ và bao trùm của các giải pháp.

(4) Xin kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sự cần thiết giám sát Dự án Xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 và Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, làm rõ những mập mờ giữa hai dự án, các giai đoạn, tổng dự toán của hai dự án, khái niệm “hoàn thành nhưng còn thử nghiệm”, … Từ đó, rút ra những bài học cho quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

-------------

[1] Bài viết có tựa “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, Vấn đề và bài học” cũng đã được gửi đến các báo giấy và báo điện tử trong nước cùng ngày 19.4.2022.

[2] Theo thông tin có được từ Hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ ngày 30.01.2023.

[3] Trích phát biểu của Chủ nhiệm lập Dự án trong  'Siêu' cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam và những điều không ngờ đến (thanhnien.vn), 12.3.2022, Đình Tuyển.

[4] Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10. Cơ quan lập các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi là một liên danh gồm Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, và Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng thủy lợi 2. Cơ quan lập Báo cáo ĐTM là Viện Kỹ thuật Biển, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam.

#