Khó khăn khắp cả nước
Doanh nghiệp vận tải của bà Ngọc chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu của các nhà máy trong khu công nghiệp tại các tỉnh phía Bắc đến cảng Hải Phòng. Trong tháng 4, công ty có một số xe đến hạn đăng kiểm, nhưng đi trung tâm nào cũng trong tình trạng ùn tắc vì quá tải, xếp hàng dài. Có xe đến trạm đăng kiểm xếp hàng từ 8 giờ tối hôm trước, 10 giờ sáng hôm sau đến lượt thì cán bộ đăng kiểm thông báo xe phải sửa, tài xế đánh xe ra ngoài sửa rồi quay lại xếp hàng từ đầu. Sau 5 ngày mới đăng kiểm xong.
Đầu tháng 5 tới, công ty có 10 xe đến hạn đăng kiểm, nhưng theo thứ tự phát phiếu, có xe chờ tới 1 tháng, tức là sẽ bị trễ lịch đăng kiểm. Nguy cơ xe phải tạm dừng hoạt động vì không thể đăng kiểm đúng lịch khiến bà Ngọc như ngồi trên đống lửa. “Nếu như trước đây có khó khăn trong đăng kiểm có thể nhờ các mối quan hệ nhưng bây giờ doanh nghiệp không còn cách nào là phải chờ đợi”, bà Ngọc cho biết.
Tương tự, ông Hiệp, chủ một doanh nghiệp vận tải có trụ sở ở Hải Phòng đang quản lý hơn 30 xe đầu kéo container cũng “đứng ngồi không yên” vì có 9 xe đến hạn đăng kiểm vào tháng 5 tới. Hiện trạm nào cũng đông, các lỗi bị siết chặt hơn trước rất nhiều. Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần bảo đảm các điều kiện về an toàn thì nay còn phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ về đăng kiểm khiến chi phí đại tu xe đội lên rất lớn.
Mỗi ngày xe không thể chạy vì không được đăng kiểm, doanh nghiệp thiệt hại khoảng 1,2 triệu đồng/xe bao gồm tiền lương cho tài xế, tiền vé tháng qua các trạm BOT cùng các chi phí khác. Song, điều ông Hiệp lo hơn là nguy cơ bị mất đơn hàng. Các doanh nghiệp FDI thường có bảng đánh giá xếp hạng doanh nghiệp vận tải, lấy đó làm căn cứ để xét thầu sau chu kỳ 6 tháng hoặc 1 năm. Nếu xe không kịp đăng kiểm đồng nghĩa không thể giao đơn hàng đúng tiến độ, ảnh hưởng trực tiếp đến thứ tự xếp hạng của công ty. “Do xuất khẩu sụt giảm nên số lượng đơn hàng của chúng tôi giảm 1/3 so với năm trước, giờ lại đối diện bài toán đăng kiểm”, ông Hiệp thở dài.
Khó khăn trong đăng kiểm xe tải không phải là vấn đề riêng của khu vực phía Bắc. Ông Thanh, giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Đắk Lắk cho biết, hiện cần 3 - 4 ngày mới đăng kiểm xong, trong khi trước đây chỉ có 1 ngày. Các tiêu chí đăng kiểm cũng chặt hơn. Chẳng hạn, trước đây chỉ cần đo chiều dài, rộng, cao của thùng xe thì giờ đăng kiểm yêu cầu giữ nguyên bản như ban đầu. “Nhiều xe đã cũ, doanh nghiệp phải hàn để gia cố thêm thùng xe; hoặc ban đầu thùng xe chỉ có 2 thanh sắt chắn hàng, doanh nghiệp lắp thêm thanh sắt để hàng không bị rơi, dù không ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn nhưng vẫn bị đăng kiểm yêu cầu phải sửa lại cho giống thùng xe nguyên bản”, ông Thanh cho biết.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh đã phản ánh khó khăn trong đăng kiểm tới Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm và Sở Giao thông Vận tải thành phố. Theo đó, nhiều doanh nghiệp chủ động trước khi hết hạn theo sổ kiểm định 15 - 30 ngày đã đi đăng ký lịch đăng kiểm lại nhưng được hẹn gần 1 tháng sau. Bên cạnh đó, một số mục đăng kiểm còn quá khắt khe, thiếu thực tế. Chẳng hạn, có trường hợp nhân viên đăng kiểm giải thích số khung không đúng vị trí theo quy định, nhưng mới mua về, chủ xe không có can thiệp vào phần số khung của xe; số khung thuộc thẩm quyền kiểm tra và quản lý của Công an thành phố khi cấp giấy chứng nhận đăng ký. Hay việc gắn thùng chứa dụng cụ đồ nghề lên nhằm tuân thủ các tiêu chí an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu xe, nhưng khi đăng kiểm thì các trung tâm bắt buộc phải tháo dỡ thùng mới cho kiểm định…
Cần ưu tiên cho doanh nghiệp vận tải
Trong bối cảnh các trung tâm đăng kiểm bị ùn tắc vì số lượng xe chờ đăng kiểm quá đông, cộng đồng doanh nghiệp vận tải kiến nghị, cần có giải pháp ưu tiên cho phương tiện kinh doanh vận tải gần hết hạn hoặc đã hết hạn đăng kiểm đăng ký lịch hẹn trước; xem xét hỗ trợ về việc xe được lưu hành tạm trong khi chờ đến lượt vào đăng kiểm lại. Đồng thời, cần nghiên cứu kéo giãn chu kỳ đăng kiểm nếu hệ số an toàn vẫn còn có thể đáp ứng. Thông báo lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng cần khắc phục trong một lần để tránh trường hợp xe phải đi sửa chữa quay ra vào trạm nhiều lần.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá lại đối với danh sách các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng nào thật sự ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tránh trường hợp có quá nhiều tiêu chí và yêu cầu quá khắt khe nhưng không có sự tác động nguy hại, gây lãng phí trong việc cải tạo, sửa chữa để đáp ứng theo quy định.
Chia sẻ với ý kiến trên, ông Thanh cho rằng, mỗi loại hàng hóa có đặc thù vận tải riêng. Một thùng xe chở loại hàng 1 tấn/bao khác với 50kg/bao, xe chở bông vải khác với xe chở hàng rời… Do vậy, việc đánh đồng tiêu chuẩn của các loại phương tiện này giống nhau là không phù hợp thực tế, cần nghiên cứu để đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp, nếu không doanh nghiệp có thể dán tem kiểm định giả để lưu thông thì hậu quả sẽ khôn lường. “Quản lý chỉ nên đưa ra những nguyên tắc chung, không nên quá chi tiết, bởi nếu không sẽ chỉ đội giá thành của doanh nghiệp mà không mấy có ý nghĩa trong việc bảo đảm an toàn, hiệu quả”, ông Thanh đề nghị.
Theo ông Hiệp, chủ doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng, các trung tâm đăng kiểm nên cử 1 - 2 cán bộ kiểm tra ngay từ vòng ngoài khi xe đến xếp hàng chờ đăng kiểm. Họ có chuyên môn, bằng mắt thường có thể phát hiện được những lỗi vi phạm như về tiêu chuẩn sàn container, đèn, các thiết bị lắp thêm trên xe… và thông báo ngay cho tài xế để đưa xe đi sửa chữa, thay vì để tài xế chờ đợi cả ngày dài đến lượt đăng kiểm mới biết không đạt và phải quay ra. Như vậy sẽ tiết giảm được thời gian cho doanh nghiệp.
“Hiện mới có chính sách gia hạn đăng kiểm với xe ô tô con, trong khi chưa có chính sách với xe tải. Do vậy, cần nghiên cứu để có chính sách với các xe này. Nếu xe tải dừng hoạt động vì không thể đăng kiểm đúng hạn không chỉ mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp vận tải mà điều đáng lo nhất là mất đi cơ hội, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”, ông Phương, chủ một doanh nghiệp logistics chuyên tuyến Trung Quốc - Việt Nam - Lào đề nghị.