Nhiều hành động thiết thực
Tham gia VBF năm 2024, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam hoan nghênh cam kết và nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc thông qua Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm thải carbon, ông Denzel Eades, xác nhận.
“Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại VBF năm 2024.
Bộ trưởng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này xác định rõ: tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.
Trong quá trình đó, các doanh nghiệp FDI với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường… phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành với doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ông cũng ghi nhận những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Muto Shiro cam kết sẽ hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng trung tính carbon mà Chính phủ Việt Nam đề ra vào năm 2050; ông cho biết, vào năm ngoái, nhóm công tác thúc đẩy Chuyển đổi Xanh châu Á được thành lập để thúc đẩy các dự án cụ thể hữu ích cho quá trình chuyển đổi xanh và chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất với Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa mục tiêu đạt được nền kinh tế bền vững.
Ưu đãi cho kinh doanh xanh
Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách khu vực Mekong, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức của thời đại và thách thức này với Việt Nam càng rõ ràng. Một phân tích môi trường quốc gia gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam giảm hơn 3% GDP vào năm 2020 do biến đổi khí hậu và đến năm 2050, Việt Nam có thể giảm 15% GDP do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mục tiêu "net zero" vào năm 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh các nỗ lực nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon cho nền kinh tế..
Nhu cầu tài chính để đạt được mục tiêu trên rất lớn, ước tính gần 7% GDP mỗi năm, trong đó năm 2040 cần khoảng 368 tỷ USD. Một nửa số tiền đó sẽ đến từ khu vực tư nhân. Trong đó, theo ông Thomas Jacobs, đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại các công nghệ mới, ý tưởng và thực tiễn mới cũng như nguồn vốn để hỗ trợ các chiến lược mới hướng tới xu hướng xanh.
Chiến lược tăng trưởng xanh của các nhà đầu tư nước ngoài, giống như các nhà đầu tư trong nước, phải gắn liền với chính sách quản lý xã hội và môi trường nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững, từ đó góp phần tạo việc làm và tăng trưởng toàn diện, ông Thomas Jacobs khuyến cáo. Cũng theo ông, tăng cường hiệu quả hoạt động tài chính và cạnh tranh hiệu quả có nghĩa là các công ty phải phát triển chiến lược, thực hiện chính sách, xây dựng văn hóa và đầu tư nguồn lực để xanh hóa hoạt động kinh doanh và khai thác tiềm năng để phát triển bền vững hơn.
Chia sẻ vấn đề này, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp châu Âu quan tâm tới vấn đề cải thiện quản lý chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng và đổi mới chống ô nhiễm nhựa. Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, Chủ tịch EuroCham đề xuất các sáng kiến như: ưu đãi thuế có mục tiêu cho các hoạt động kinh doanh xanh và sử dụng nhựa tái chế để làm đường sá, nhằm giảm tác động đến môi trường và hỗ trợ các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam cũng sẽ gắn chặt với mục tiêu này, ông Gabor Fluit nói.