“Doanh nghiệp kiệt sức là sự thật”
Hai tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này tính toán từ số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây.
Theo đó, 2 tháng qua, cả nước có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có hơn 20.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Vậy nhưng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao hơn, với 63.000 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có gần 31.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Số liệu khảo sát và thống kê cho thấy doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hậu Covid - 19 khi phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu”, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh trong báo cáo đưa ra tháng 1.2024.
Nguồn lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn kể từ đại dịch trong khi những vướng mắc về thể chế, thủ tục, nguồn vốn vẫn chưa được cởi bỏ; nay lại chịu thêm cú “ngoại kích”– nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm sâu khiến đơn hàng ngày càng teo tóp. Suy kiệt rõ ràng là khó tránh khỏi!
Đáng chú ý, trong tổng số 2.734 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ban IV, có tới 69,1% đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024. Điều này cho thấy khó khăn như vòi bạch tuộc vẫn đang bám chặt doanh nghiệp.
Theo PGS. TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện diện và khó đoán định trong năm 2024, có thể gây ra tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta.
Một trong những rủi ro, thách thức chính trong năm 2023 - 2024, theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, đó là xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Cùng với đó là sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ; nợ công và nợ tư tăng; rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu.
Ông cũng dẫn chứng dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, GDP toàn cầu tiếp tục chậm lại với mức tăng 2,4% trong năm 2024, khi Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm.
"Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Cầu ở thị trường trong nước cũng không hoàn toàn tích cực. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%; nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5% trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%.
Theo lý giải của Bộ Công thương, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng không cao như mọi năm, kể cả trong Tết Nguyên đán, và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Gánh chi phí ngày một trĩu nặng
Đáng chú ý, khó khăn với doanh nghiệp không chỉ đến từ phía cầu, từ thị trường mà còn từ môi trường pháp lý dự khả năng sẽ có nhiều thay đổi.
Dự kiến, 3 luật thuế cùng lúc sẽ được đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cả ba luật này đều có tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội, nền kinh tế, và doanh nghiệp. Với định hướng mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, không khó để đoán rằng, gánh nặng thuế sẽ thêm trĩu vai doanh nghiệp. Chi phí sản xuất, kinh doanh đội lên trong khi nhu cầu tiêu dùng ảm đạm do kinh tế khó khăn và lạm phát cao thực sự là “nan đề” với cộng đồng doanh nghiệp.
Một ví dụ khác, từ ngày 1.1.2024, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) đối với tái chế sản phẩm, bao bì sẽ chính thức có hiệu lực.
Là điểm mới tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, EPR hướng tới mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải; đồng thời tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, tiến đến kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo lộ trình, một số sản phẩm, bao bì từ ngày 1.1.2024. Nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền chọn một trong hai phương án: hoặc tổ chức tái chế, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Năm 2024 (năm đầu áp dụng), doanh nghiệp sẽ phải kê khai và đóng tiền từ ngày 31.3 với số tiền được tính dựa trên khối lượng sản phẩm được đưa ra năm 2023.
“Điều này có nghĩa doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền rất lớn từ đầu năm, nhưng hệ thống EPR chưa thể vận hành và thực hiện các hoạt động tái chế ngay lập tức. Khi đó, một khoản tiền lớn sẽ tạm thời bị đóng băng, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn, cần nguồn vốn để hoạt động”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận.
Bên cạnh đó, định mức chi phí tái chế đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (Fs) rất quan trọng để xác định mức đóng góp của doanh nghiệp. Cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về định mức này, song theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, sẽ rất đáng lo ngại nếu Fs quá cao, không hợp lý thì sẽ làm tăng chi phí sản phẩm, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Khoan sức doanh nghiệp
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, cho rằng, cần giảm chi phí kinh doanh và có gói giải pháp tổng thể cho việc này.
“Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới”, ông Tuấn đề xuất tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, cho rằng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là nhiệm vụ quan trọng và đã được xác định rõ trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh, trong tiến trình sửa đổi các luật thuế, việc mở rộng cơ sở thuế, bổ sung đối tượng chịu thuế, tăng thuế cần được cân nhắc thấu đáo trong mối tương quan với bối cảnh doanh nghiệp đang phải trải qua và những định hướng tăng trưởng chiến lược của đất nước.
Đã có những dự đoán cho rằng, phải 3 - 5 năm nữa, khủng hoảng kinh tế mới đụng đáy và phải 10 năm nữa, thậm chí hơn, chúng ta mới thấy kinh tế trở lại mức như năm 2018 - 2019. "Vì thế, sửa đổi các luật thuế nói trên, bên cạnh việc hướng tới thu đúng, thu đủ thì cần phải coi trọng mục tiêu “khoan sức doanh nghiệp” để nuôi dưỡng nguồn thu và đưa đất nước phát triển bền vững”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho biết, ở các quốc gia phát triển, thuế tài sản đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, thường chiếm tỷ lệ 3 - 4% trong tổng số thuế thu được. Đây cũng là nguồn thu mang tính bền vững và do loại thuế trực thu này thu đúng vào người giàu, người có nhiều tài sản nên không gây ra mất công bằng như việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Từ tình hình hiện tại của cộng đồng doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho rằng, “nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt.
“Vì thế, năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế”, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất.
Gắn bó với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, bao giờ cũng vậy, sự ổn định và nhất quán về môi trường chính sách luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp FDI khi quyết định đầu tư.
Việt Nam không phải “một mình một chợ” trong cuộc đua thu hút FDI, do đó Việt Nam cần duy trì một môi trường pháp lý ổn định, dễ tiên đoán và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh để trở thành một điểm đến cạnh tranh và hấp dẫn, ông nhấn mạnh.