Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký Công điện số 03/CĐ-BKHĐT gửi các bộ, ngành, địa phương, về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định.
Cần thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Công điện nêu rõ, theo báo cáo tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ tháng 5.2024, đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 148.284 tỷ đồng, bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng dưới mức trung bình của cả nước; 5 bộ, cơ quan trung ương, 10 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; 6 địa phương chưa đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương hoặc bố trí ngân sách địa phương để thu hồi hoặc chưa thu hồi đủ vốn ứng trước.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng giao, khẩn trương phân bổ hết nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước của các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân; xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.
Cùng với đó, tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng: kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường; chủ động phối hợp với các địa phương lân cận có nguồn mỏ vật liệu, đất, cát… nghiên cứu, dành một phần trữ lượng để điều phối, cung ứng cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; chỉ đạo chủ đầu tư/ban quản lý dự án rà soát hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của các dự án để kịp thời bổ sung, điều chỉnh bảo đảm đủ nguồn và công suất khai thác vật liệu san lấp cho nhu cầu của dự án.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ theo quy định; thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm…
Riêng 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Kiên quyết thực hiện việc điều chuyển đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong giải ngân.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách
Về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, Công điện cho biết, tại Nghị quyết số 112/2024/QH15 ngày 18.1.2024, Quốc hội đã cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Tuy nhiên hiện vẫn còn 3 bộ, 5 địa phương (Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long) chưa đủ điều kiện (chưa phê duyệt chủ trương đầu tư) để phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; 2 bộ, 5 địa phương (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các địa phương Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Cần Thơ) chưa đủ điều kiện (chưa phê duyệt quyết định đầu tư) để bố trí kế hoạch vốn hằng năm theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công hoặc không đề xuất bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 để thực hiện dự án.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15.6.2024 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn.
Về việc thực hiện thu hồi vốn ứng trước của các dự án theo quy định, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 97/NQ-CP 8.7.2023 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị 6 địa phương gồm Hà Giang, Hòa Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Bình và Lâm Đồng nêu rõ lý do chưa thực hiện hoặc chưa thu hồi đủ thu hồi vốn ứng trước, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thu hồi vốn ứng trước; rà soát, báo cáo rõ số vốn ứng trước chưa thu hồi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương; thực hiện hoàn trả vốn toàn bộ số vốn ứng trước theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5721/BKHĐT-TH ngày 19.7.2023.
Ngoài 6 địa phương nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục rà soát, thực hiện thu hồi toàn bộ vốn ứng trước của các dự án (nếu có), bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội.