Chưa xứng tiềm năng
Phú Thọ có vị trí địa kinh tế quan trọng của miền Bắc, nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc, ngã ba hội tụ 3 con sông gồm sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Tỉnh là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy trong khu vực miền Bắc; kết nối trung chuyển hàng hóa cho các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng; đồng thời nằm trong vành đai của nhiều tuyến trục giao thông quan trọng như tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với vị trí đó, Phú Thọ có nhiều lợi thế để tham gia vào từng khâu của quá trình lưu thông hàng hóa.
Tại Hội nghị "Xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024" diễn ra sáng 26.3, Phó Giám đốc Sở Công thương Đặng Việt Phương cho biết, Phú Thọ là 1 trong 10 địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu cao của cả nước (năm 2023, xuất khẩu đạt hơn 10,8 tỷ USD). Hệ thống hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh có 12.291km đường bộ, trong đó có 62km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và 28,9km tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được thi công xây dựng. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt quốc gia Yên Viên - Lào Cai đi qua Phú Thọ dài 75km. Ngoài ra, tỉnh có 3 tuyến vận tải thủy chính trên sông Hồng, sông Lô và sông Đà đạt cấp kỹ thuật từ cấp III đến cấp II; 8 cảng thủy nội địa đang hoạt động và 123 bến hàng hóa, 1 bến hành khách và 46 bến khách ngang sông.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cảng cạn (ICD) gắn với dịch vụ logictics là ICD Thụy Vân, ICD Hải Linh và cảng Việt Trì; trong đó ICD Thụy Vân đã gắn với hoạt động logistics. Tỉnh hiện có trên 30 kho thương mại và 4 kho xăng dầu đã đi vào hoạt động…
Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn, Phú Thọ có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển dịch vụ logistics, song sự phát triển vẫn chưa tương xứng. Hạn chế lớn của tỉnh là vẫn chưa có trung tâm logistics tương xứng; thiếu sự liên kết về logistics với các tỉnh; số lượng doanh nghiệp khá nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính liên kết; chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics phát triển xứng tầm.
Thu hút đầu tư vào 3 trung tâm logistics
UBND tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GRDP đạt khoảng 5 - 6%; bước đầu hình thành mạng lưới trung tâm phân phối (cảng cạn, kho, bãi hàng hóa) và các tuyến vận tải thu, gom hàng hóa trong và ngoài tỉnh; tập trung thu hút đầu tư, hình thành 2 trung tâm logistics cấp tỉnh và 1 trung tâm logistics cấp vùng (Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050).
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, để phát triển dịch vụ logistics, trước tiên tỉnh Phú Thọ phải nhận thức rõ ràng và quyết tâm thực hiện. Tỉnh cần tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics; cụ thể là thu hút đầu tư vào 3 trung tâm logistics và nâng cấp, cải tạo các ICD, tuyến đường sắt hiện có. Đồng thời, hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp logistics thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó, cần khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics; đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ để phát triển thị trường. Đặc biệt, cần thúc đẩy liên kết vùng thông qua phối hợp với các địa phương dọc hành lang kinh tế Lào Cai - Quảng Ninh.
Theo ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, vận tải từ cảng Hải Phòng lên Phú Thọ đặc biệt phù hợp với đường thủy nội địa. Tuy nhiên, hiện nay, độ cao tĩnh không cầu Đuống đang cản trở tàu container từ Hải Phòng lên các ICD tại Phú Thọ. Vì thế, để thúc đẩy logistics của tỉnh phát triển, cần phải giải quyết điểm nghẽn này, qua đó thúc đẩy vận tải đa phương thức. “Nếu độ cao tĩnh không cầu Đuống không được giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất công nghiệp của Phú Thọ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, Phú Thọ có vị trí thuận lợi để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa tiêu dùng cho khu vực Tây Bắc, do đó tỉnh cần quan tâm kết nối doanh nghiệp để củng cố vị trí này.
Khẳng định Phú Thọ có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là đường thủy nội địa, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất tỉnh phối hợp Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên cải tạo, nạo vét luồng, thanh thải đá ngầm trên tuyến đường thủy sông Lô, sông Hồng, sông Đà nhằm phát huy tối đa tuyến vận tải này. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư ban đầu cơ sở hạ tầng, giao đất sạch để thu hút FDI và các nhà máy về địa bàn Phú Thọ; kết nối nguồn hàng cho các doanh nghiệp logistics thông qua triển khai đầu tư dự án Trung tâm logistics phục vụ sự phát triển chung của khu vực Tây Bắc đặt tại Phú Thọ cho các nhà đầu tư sản xuất kho hàng hóa phân phối phục vụ nhu cầu cho khu vực.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú ThọNguyễn Thanh Hải khẳng định, tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics trên địa bàn. Ông đề nghị, Bộ Công thương (Cục Xuất nhập khẩu) xem xét tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn về chính sách hạ tầng, thuế, đặc biệt là chính sách đất đai. Về phía Bộ Giao thông Vận tải, cần hỗ trợ tỉnh trong phát triển giao thông đường thủy, đường sắt và bảo đảm kết nối tốt hơn với giao thông đường bộ.