Tìm cách để du khách xài tiền khi du lịch Việt Nam
Từ ngày 27-30.3.2024, phái đoàn cấp cao của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Tourism Group - CTG) và Tập đoàn miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free - CDF, thành viên của CTG; CTG là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ Trung Quốc và CDF là tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất Trung Quốc với doanh thu năm 2023 là 9,3 tỷ USD, lợi nhuận ròng 939,4 triệu USD) đã đến làm việc tại Việt Nam.
Sau khi khảo sát, làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), CDF và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký biên bản ghi nhớ về việc mở cửa hàng miễn thuế tại các địa phương trên, kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội đột phá phát triển thị trường du lịch mua sắm tại Việt Nam.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch IPPG, du lịch mua sắm là phân khúc du lịch tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mua sắm cho du khách, bao gồm đồ lưu niệm, quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng, các mặt hàng khác thông qua mô hình như cửa hàng mua sắm miễn thuế nội đô, trung tâm bán hàng giảm giá, công viên giải trí, chợ truyền thống…
Cửa hàng mua sắm miễn thuế nội đô (Downtown Duty Free) là mô hình kinh doanh rất thịnh hành ở những thành phố lớn trên thế giới, chẳng hạn như ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngành này đạt doanh số 16 tỷ USD/năm. Trong khi đó, mô hình trung tâm bán hàng giảm giá (Premium outlet) và công viên giải trí là nơi thu hút không chỉ khách quốc tế mà cả khách nội địa, kích cầu mua những món hàng hiệu cao cấp qua mùa với mức giảm giá từ 50% - 80%.
Tại Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản, sức hấp dẫn của trung tâm bán hàng giảm giá (Premium outlet) và các công viên giải trí như Disney Land góp phần giúp thị trường du lịch tăng trưởng hàng trăm triệu du khách/năm.
Theo thống kê của Hotels.com, trung bình một du khách Trung Quốc trong các chuyến xuất ngoại chi khoảng 6.707 Nhân dân tệ mỗi ngày (tương đương 930 USD; 23 triệu Việt Nam đồng), không tính chi phí lưu trú. Đáng chú ý, 57,76% số tiền này dùng cho mua sắm, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp.
Trước đại dịch Covid, Trung Quốc là thị trường số 1 của Việt Nam, chiếm 30% tổng lượng khách quốc tế. Năm 2019, con số này là 5,8 triệu lượt. Mặc dù dịch bệnh khiến hoạt động du lịch quốc tế tại Trung Quốc gần như đóng băng nhưng nhu cầu mua sắm, đặc biệt là mua sắm hàng hiệu của người Trung Quốc vẫn luôn dẫn đầu.
Sau khi Trung Quốc chính thức mở lại du lịch quốc tế từ tháng 1.2023, lượng du khách đến Việt Nam đạt khoảng 1,8 triệu lượt trong năm 2023 (trong tổng số 12,6 triệu lượt, đứng thứ 2 trong thị trường khách quốc tế đến Việt Nam).
Năm 2024, cửa hàng miễn thuế ở Bắc Luân tại cửa khẩu Móng Cái sẽ mở cửa và dự kiến thành phố này sẽ đón thêm 10 triệu khách Trung Quốc. Tại TP. Nha Trang, cửa hàng miễn thuế nội đô ở trung tâm thành phố sẽ được đầu tư trong năm 2024 và khai trương đầu năm 2025, sẵn sàng đón 12 triệu khách quốc tế, trong đó 50% sẽ là khách Trung Quốc. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, cửa hàng miễn thuế nội đô dự kiến cũng sẽ sớm được mở ở trung tâm Quận 1.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, sự hợp tác này sẽ mở ra những cơ hội quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp "không khói" nước nhà. Đặc biệt, nếu các cơ sở mua sắm miễn thuế được đầu tư, vận hành hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, thu hút ngoại tệ, tạo thêm lao động việc làm. Thị trường du lịch mua sắm mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển như: tăng cường doanh thu du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, từ nhân viên bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, đến các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ du lịch; thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; quảng bá hình ảnh và văn hóa của quốc gia đến với du khách.
Mở ra cơ hội "lịch sử"
Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, việc IPPG hợp tác với Tổng Công ty Cổ phần Tập đoàn Du lịch Trung Quốc và Tập đoàn miễn thuế Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển du lịch thương mại song phương giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam.
Với uy tín, kinh nghiệm, hệ thống mạng lưới khách hàng thân thiết trên khắp thế giới cũng như giá trị vốn hóa hàng trăm tỷ USD của những tập đoàn kinh doanh miễn thuế du lịch đầu ngành như Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Tourism Group - CTG) và Tập đoàn miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free - CDF, thành viên của CTG) sẽ mang lại sự đột phá tăng trưởng thương mại du lịch Việt Nam.
Hiện, IPPG đã và đang liên doanh với các tập đoàn kinh doanh miễn thuế lớn trên toàn cầu như: DFS, Dufry, Lotte, và tập đoàn China Duty Free.
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: "Cách đây 39 năm, tôi đã nhận nhiệm vụ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mở cửa đường bay Việt Nam ra với thế giới, đồng thời đóng góp phát triển nền kinh tế của đất nước. Sau khi hoàn thành sứ mệnh mở đường bay, tôi đã thành lập và tạo dựng thương hiệu IPPG theo kim chỉ nam mà cố Phó Thủ tướng Trần Quỳnh căn dặn “Làm ăn ở Việt Nam con cần nhớ hai điều: Thứ nhất phải kiên nhẫn, kiên trì; thứ hai phải làm đúng quy định của pháp luật; khi đó Đảng, Chính phủ và Nhân dân sẽ bảo vệ con".
Trải qua 39 năm phát triển, đến nay tập đoàn IPPG đã thành công phát triển kinh doanh đầu tư xuất nhập khẩu trong và ngoài nước với thế mạnh phân phối hơn 138 thương hiệu đẳng cấp quốc tế, hơn 1.200 cửa hàng và các dự án phát triển du lịch bán lẻ trải dài trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, IPPG và tập đoàn Changi Airport (Singapore) đã ký kết đối tác chiến lược trong việc nâng tầm dịch vụ phi hàng không, hỗ trợ phát triển đường bay quốc tế tại Sân bay Quốc tế Cam Ranh vào tháng 2.2024, với mục tiêu đưa sân bay Quốc tế Cam Ranh đạt chuẩn 5 sao đẳng cấp quốc tế, nâng cấp dịch vụ hàng không. Qua đó, những thành phố du lịch lớn của Việt Nam như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh sẽ có cơ hội đón thêm hàng chục triệu du khách quốc tế mỗi năm thông qua du lịch mua sắm.
"Tôi từng hỏi các đối tác quốc tế vì sao lại quan tâm đến một công ty gia đình như chúng tôi, thì đều nhận được câu trả lời “Vì uy tín, tầm nhìn của ông với các đề án phát triển kinh doanh ngành bán lẻ, du lịch, kinh doanh hàng miễn thuế nói riêng cũng như việc đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế du lịch Việt Nam nói chung”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Là doanh nghiệp đầu tiên, khởi đầu hình thành ngành kinh doanh miễn thuế tại Việt Nam, IPPG đã đầu tư khắp các cửa khẩu biên giới và sân bay các dự án cửa hàng miễn thuế hiện đại đẳng cấp ngang tầm các sân bay trong khu vực cũng như góp phần thu hút khách du lịch, tăng trưởng thương mại du lịch.