Mục tiêu 43 triệu tấn thóc rất khả thi
- Thưa ông, trong bối cảnh chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt năm nay bước vào chu kỳ của El Nino có tác động thế nào đến sản xuất lúa?
- Trước hết, có thể khẳng định rằng, dù chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi, vấn đề an ninh lương thực của nước ta đã luôn được bảo đảm.
“Ấn Độ chiếm gần 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trong bối cảnh El Nino có tác động xấu đến sản xuất lúa, gạo toàn cầu và nhu cầu mua lương thực phục vụ tiêu dùng và tích trữ tăng thì động thái của Ấn Độ chắc chắn sẽ kéo giá gạo tăng cao trong thời gian tới. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam vốn đang khá thuận lợi trong sản xuất, nguồn cung bảo đảm ổn định. Cục Trồng trọt vẫn theo dõi sát tình hình thời tiết, khí hậu và nhu cầu để kịp thời có chỉ đạo, tính toán, điều hành sản xuất lúa gạo gắn với thị trường, tận dụng tốt thời cơ. Quan điểm của Cục là tiếp tục ổn định lượng gạo xuất khẩu trên 6,5 - 6,6 triệu tấn, điều này sẽ không ảnh hưởng tới an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu thụ khác trong nước”.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường
Năm 2023 bắt đầu chu kỳ El Nino. Tuy nhiên, El Nino sẽ ảnh hưởng mạnh đến vụ đông xuân 2023 - 2024, còn sản xuất lúa trong năm 2023 về cơ bản không chịu nhiều tác động và đến nay vẫn được thực hiện theo kế hoạch.
Cụ thể, diện tích gieo trồng đạt 7,1 triệu héc ta lúa với sản lượng ước trên 43 triệu tấn thóc. Tính đến ngày 1.8, cả nước đã thu hoạch 3,65 triệu héc ta với sản lượng trên 24,2 triệu tấn; từ giờ đến cuối năm thu hoạch tiếp 3,45 triệu héc ta với sản lượng 18,9 triệu tấn. Các trà lúa trên đồng ruộng phát triển rất tốt.
Đặc biệt, tại đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa hè thu và đã gieo trồng lúa thu đông với diện tích khoảng 350.000ha/700.000ha lúa thu đông năm nay. Mục tiêu đạt sản lượng 43 triệu tấn lúa của cả năm nay là khả thi, trừ trường hợp từ giờ đến cuối năm xảy ra dịch bệnh hoặc thiên tai trên quy mô lớn. Với mức này, chúng ta hoàn toàn bảo đảm được an ninh lương thực cũng như dành ra hơn 7 triệu tấn để xuất khẩu (theo Tổng cục Thống kê, để bảo đảm an ninh lương thực cho 100 triệu dân, cần khoảng 29,5 triệu tấn thóc).
Ở cấp độ vùng, an ninh lương thực cũng luôn được bảo đảm. Theo số liệu của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp năm 2021, đồng bằng sông Hồng dư khoảng 3 triệu tấn thóc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc dư 1,2 triệu tấn; Bắc Trung bộ dư 2,2 triệu tấn; Duyên hải Nam Trung bộ dư 1,75 triệu tấn; Tây Nguyên dư trên 0,3 triệu tấn; đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long dư trên 14 triệu tấn thóc. Duy nhất Đông Nam bộ thiếu hụt 0,56 triệu tấn thóc, phần này chủ yếu do vùng đồng bằng sông Cửu Long bù đắp.
- Việc giữ ổn định diện tích đất lúa có vai trò đặc biệt quan trọng để bảo đảm an ninh lương thực. Bộ Chính trị, Quốc hội đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất lúa. Ông nhìn nhận thế nào về mục tiêu này?
- Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa sang các công trình đô thị, công nghiệp, dịch vụ là đương nhiên với xu thế phát triển chung. Song, Việt Nam gắn liền với văn minh lúa nước, nhu cầu gạo cho hơn 100 triệu dân rất lớn nên việc giữ ổn định diện tích đất trồng lúa là yêu cầu tiên quyết để bảo đảm an ninh lương thực.
Hiện nay, diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu héc ta, tương đương khoảng 3,5 triệu héc ta diện tích đất lúa, với sản lượng 42 - 43 triệu tấn/năm, vượt so với mục tiêu 35 triệu tấn/năm được Bộ Chính trị đặt ra tại Kết luận số 81-KL/TW ngày 29.7.2020 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến 2030 (Kết luận số 81). Do đó có thể khẳng định, an ninh lương thực của đất nước luôn được bảo đảm trong bất cứ tình huống nào.
Nâng cao thu nhập cho nông dân là ưu tiên hàng đầu
- Thu nhập của nông dân trồng lúa hiện vẫn rất thấp; theo ông, cách nào để tăng thu nhập cho họ?
- Việc tăng thu nhập cho người nông dân có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phải là ưu tiên hàng đầu. Tại Kết luận số 81, Bộ Chính trị cũng đặt mục tiêu phải nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn vào năm 2030 cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020.
Để đạt được điều này cần chiến lược, giải pháp tổng thể toàn diện và có đầu tư nguồn lực xứng đáng. Phải gia tăng giá trị cho ngành hàng lúa gạo, bảo đảm quyền lợi hài hòa cho các nhân tố trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, tạo sự đồng bộ từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, kinh doanh trên cơ sở áp dụng đồng bộ các giải pháp về nguồn lực đầu tư, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, quy trình canh tác, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải và gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long để trình Thủ tướng. Khi Đề án được thông qua sẽ tạo động lực mang tính đột phá đối với ngành hàng lúa gạo, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo trong vùng. Các doanh nghiệp sẽ là động lực đầu kéo, tập hợp các thành phần trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, đặc biệt là liên kết chặt chẽ với nông dân, qua đó có thể tăng thu nhập cho nông dân.
- Trong bối cảnh diễn biến thời tiết, dịch bệnh vẫn rất khó lường, để bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, cần tập trung cho những giải pháp gì, thưa ông?
- Trước những diễn biến bất thường hiện nay, việc theo dõi sát thực tế, chủ động, kịp thời ứng phó để bảo đảm kế hoạch sản xuất lúa là rất quan trọng.
Chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó với El Nino. Mùa vụ 2019 - 2020, mức độ El Nino mạnh hơn 2015 - 2016 nhưng thiệt hại rất thấp, cả đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 60.000ha bị ảnh hưởng và không có diện tích nào bị mất trắng. Với kinh nghiệm đó cùng thành tựu về giống lúa (có bộ giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt) bảo đảm đáp ứng được bố trí cơ cấu mùa vụ nhằm né hạn, mặn; các quy trình canh tác phù hợp tiết kiệm đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống thủy lợi…, chúng ta có thể chủ động ứng phó với El Nino.
Cục Trồng trọt cũng đã phối hợp với các địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất. Cụ thể, đối với vùng ven biển sẽ bị xâm nhập mặn sẽ thực hiện né hạn, né mặn bằng cách gieo trồng vụ đông xuân sớm từ tháng 10.2023 với tổng diện tích khoảng trên 400.000ha. Như vậy, trong tháng 1.2024, chúng ta đã có thể thu hoạch trên 1,2 triệu tấn thóc từ vụ đông xuân 2023 - 2024 để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đối với vùng giữa và vùng dưới hoàn toàn chủ động về nước thì sẽ tổ chức gieo sạ muộn hơn.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5.8.2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!