Vừa qua, tại Đại hội cổ đông năm 2024, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ cho biết, tại doanh nghiệp, vàng chiếm 50% giá vốn sản phẩm nên công ty có sự hạch toán ổn định.
"Về dự trữ vàng để sản xuất trong năm thì không bao giờ có vì lượng vàng sản xuất hằng năm của chúng tôi lên đến 12 tấn, biến động giá từng giờ. Cái khó của người kinh doanh trong ngành này là phải tính mua lúc nào, mua như thế nào, mua dưới dạng nào, sản xuất hay dự trữ. Có những ngày chúng tôi đành chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất vì giá vàng quá cao. Như dịp Thần tài PNJ phải dự trữ một lượng vàng lớn từ tháng 10, tháng 11 của năm trước vì sát dịp Thần tài giá rất cao…", bà Dung nói.
Về nguồn cung, lãnh đạo PNJ chia sẻ rằng, là nhà bán sỉ nên doanh nghiệp phải mua từ rất nhiều nguồn, từ nhà bán lẻ, những khách hàng bán lại và mua thông qua đại lý.
"PNJ là công ty minh bạch, mua là phải có kê khai, chứ không dám mua hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, nên rất khó khăn cho ban điều hành vì có những lúc có vàng nhưng công ty không dám mua vì nguồn gốc không rõ ràng", bà Dung cho biết.
Nhắc đến vấn đề thời sự những ngày gần đây là việc các tiệm vàng bỗng nhiên đóng cửa, bà Dung nhận định các tiệm vàng đang dừng lại để “nghe ngóng” những thay đổi của thị trường trong giai đoạn biến động như hiện nay.
Mặt khác, ông Lê Trí Thông, phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc PNJ, cho biết năm 2023 là năm khốc liệt đối với ngành bán lẻ, đặc biệt là ngành hàng xa xỉ như trang sức do người dân siết chặt túi tiền.
Với việc giá vàng liên tục tăng trong năm 2023 và giá vàng năm 2024 đạt mức kỷ lục càng tạo thêm sức ép cho ngành trang sức.