Chính sách hỗ trợ đầu tư nên hướng tới các “đại bàng” công nghệ

- Thứ Năm, 04/04/2024, 08:15 - Chia sẻ

Góp ý vào dự thảo Nghị định về Quỹ Hỗ trợ đầu tư, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế - Deloitte Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ nên được xây dựng hướng tới mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, kéo các “đại bàng” trên thế giới đến với Việt Nam.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao là phù hợp

- Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ, với cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư - được hình thành từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu. Theo ông, khi thiết kế biện pháp hỗ trợ đầu tư, các phương án chính sách đưa ra cần đạt được những mục tiêu gì?

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế - Deloitte Việt Nam
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế - Deloitte Việt Nam

- Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn và thách thức, cuộc đua thu hút đầu tư giữa các quốc gia đang trở nên rất khắc nghiệt. Các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư với Việt Nam đã có các biện pháp chính sách đáng lưu ý.

Ví dụ, Ấn Độ đưa ra bộ 3 chính sách ưu đãi đầu tư theo chi phí từ năm 2020; Thái Lan có Đạo luật Tăng cường cạnh tranh cung cấp các hình thức hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và có kế hoạch phân bổ thêm nguồn ngân sách đáng kể để thu hút đầu tư theo đạo luật này trong thời gian tới. Hay trong Công bố Ngân sách 2024 gần đây, Singapore cũng đã đưa ra chính sách mới về khấu trừ vào thuế phải nộp (tax credit) lên đến 50% để hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu đã được nhiều quốc gia phát triển thực thi từ năm 2024.

Theo đó, việc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư mới ở thời điểm này là nhiệm vụ vô cùng cần thiết đối với Việt Nam khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Chính sách hỗ trợ nên được xây dựng hướng tới mục tiêu thu hút các nhà đầu tư chiến lược, kéo các “đại bàng” trên thế giới đến với Việt Nam, đồng thời áp dụng bình đẳng với các nhà đầu tư hiện hữu để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích duy trì và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, từ đó góp phần củng cố vị thế cạnh tranh của quốc gia. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đầu tư cũng nên phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong việc khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên, có đóng góp lớn, tác dụng lan tỏa trong nền kinh tế - xã hội.

Quỹ Hỗ trợ đầu tư nên trực thuộc bộ nào?

Dự thảo Nghị định hiện đưa ra hai phương án, Quỹ Hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế - Deloitte Việt Nam, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua Quỹ Hỗ trợ đầu tư là chính sách mới, chưa từng được thực hiện tại Việt Nam. Theo đó, khi thực thi sẽ có nhiều vấn đề cần xử lý bao gồm cả việc xây dựng dự toán ngân sách, xử lý ngân sách, thẩm định hồ sơ có nhiều chỉ tiêu về tài chính, và sau này có thể gồm cả công tác hậu kiểm. Việc tổ chức thực hiện để Quỹ đi vào thực chất cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Theo dự thảo Nghị định, Quỹ sẽ hỗ trợ hai nhóm doanh nghiệp, gồm: (1) doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng và đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; (2) doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Hỗ trợ các đối tượng như vậy có giúp đạt được mục tiêu thiết kế chính sách ông vừa nêu không?

- Như tôi đã đề cập, chính sách nên tập trung vào mục tiêu thu hút và tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam, khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên. Với nguồn lực của Việt Nam hiện tại, chính sách nên tập trung vào nhóm đối tượng phù hợp, có chọn lọc, bảo đảm biện pháp đưa ra có tính đột phá.

Do đó, việc dự thảo Nghị định tập trung vào hỗ trợ nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển là phù hợp với định hướng của Việt Nam trong việc chiến lược phát triển công nghiệp, cũng như bắt nhịp theo xu hướng của thế giới. Quy định về quy mô vốn đầu tư hay doanh thu cũng là yếu tố cần thiết để sàng lọc những dự án đầu tư lớn, có chất lượng, đóng góp lớn về kinh tế - xã hội.

Do hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp là chính sách mới, chưa có tiền lệ, nên Chính phủ có thể cân nhắc trước mắt chỉ áp dụng cho lĩnh vực công nghệ cao với quy mô lớn để có thời gian đánh giá mức độ hiệu quả. Về lâu dài, sau khi chính sách được thực thi một vài năm, Chính phủ có thể cân nhắc bổ sung các nhóm ngành, lĩnh vực khác phù hợp với mục tiêu phát triển của từng thời kỳ.

Nên cẩn trọng cân nhắc biện pháp hỗ trợ tín dụng, lãi suất

- Theo dự thảo Nghị định, Quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng tiền mặt các khoản chi phí như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tạo tài sản cố định và đầu tư công trình hạ tầng xã hội, hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ tín dụng, lãi suất. Theo ông, lĩnh vực hỗ trợ như vậy đã đầy đủ chưa?

- Việc hỗ trợ nên tập trung vào các khoản chi phí trọng yếu trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp để chính sách hỗ trợ đủ hấp dẫn, mang lại lợi ích thiết thực. Đồng thời, các khoản chi phí được hỗ trợ cần mang tính đầu tư thực chất, có lợi cho Việt Nam về bản chất kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển.

Dự thảo Nghị định quy định các mức hỗ trợ như sau: (1) hỗ trợ tối đa 50% chi phí đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam; (2) hỗ trợ 20 - 50% chi phí nghiên cứu và phát triển tùy đối tượng doanh nghiệp; (3) hỗ trợ 10 - 40% chi phí đầu tư tạo tài sản cố định tùy đối tượng doanh nghiệp; (4) hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; (5) hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao: hỗ trợ tối đa 0,5% giá trị gia tăng của sản phẩm có giá thành từ 4 triệu đồng trở lên; hỗ trợ tối đa 1,5% với doanh nghiệp đạt tất cả các điều kiện sau: doanh thu trên 200 nghìn tỷ đồng; nhân lực trên 10.000 người; tỷ lệ giá trị gia tăng trên 30%.

Theo đó, tôi nhận thấy với việc Quỹ hỗ trợ các loại chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí nghiên cứu và phát triển - về cơ bản có thể đáp ứng các mục đích nêu trên. Việc mở rộng hỗ trợ ra các loại chi phí khác có thể được cân nhắc trong tương lai để phù hợp với đặc thù các đối tượng được cân nhắc, bổ sung sau này.

Đối với biện pháp hỗ trợ tín dụng, lãi suất, tôi cho rằng nên cân nhắc cẩn trọng. Bởi đây là hình thức hỗ trợ không trực tiếp bằng tiền và liên quan đến nhiều thủ tục phức tạp về tín dụng, ngân hàng, đặc biệt doanh nghiệp có các khoản vay có giá trị lớn, việc hỗ trợ lãi suất sẽ khó kiểm soát về ngân sách. Thay vì hướng tới các đối tượng của Quỹ Hỗ trợ đầu tư, hình thức hỗ trợ này có thể cân nhắc cho các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp…

- Ý kiến của ông như thế nào về các mức hỗ trợ quy định trong dự thảo Nghị định?

- Các mức hỗ trợ nên được xây dựng dựa trên thông tin khảo sát số liệu thực tế của doanh nghiệp để xây dựng mức phù hợp, đủ hấp dẫn với doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm trong phạm vi ngân sách dự kiến của Quỹ. Mức hỗ trợ nên được tiếp tục cân nhắc sau khi cơ quan soạn thảo thu thập, phân tích các thông tin, dữ liệu khảo sát thực tế của các doanh nghiệp trong phạm vi hưởng chính sách từ Quỹ.

- Có ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án. Điều này giúp nhà đầu tư yên tâm và từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư. Quan điểm của ông như thế nào?

- Việc giải ngân hỗ trợ theo từng năm hay có cơ chế giải ngân trước sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm dự án đầu tư, tính cấp thiết của khoản hỗ trợ, tình hình ngân sách của Quỹ, các quy trình liên quan đến thẩm định, kiểm tra, hậu kiểm… Theo đó, cần cân nhắc các yếu tố này để thiết kế cơ chế hợp lý, có lợi cho doanh nghiệp đồng thời cũng thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong việc thực thi, kiểm tra, đánh giá.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Lan thực hiện
#