Thiếu cơ chế thuận lợi cho việc dùng chung máy móc, thiết bị
Theo các đại biểu, lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực không có phạm vi giới hạn cụ thể, luôn có sự phát triển, thay đổi không ngừng và có những vấn đề chưa có trong tiền lệ.
Hiện nay, qua rà soát, các đại biểu chỉ ra, các quy định liên quan đến định mức, dự toán, mua sắm máy móc thiết bị, công nghệ, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện nay còn chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, việc sử dụng, quản lý, khai thác tài sản công để phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng còn phức tạp, chưa khai thác được hiệu quả, thiếu cơ chế thuận lợi cho việc dùng chung các máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Xuân Hoài, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn thủ đô, trong đó có liên quan đến Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Luật Thủ đô được Quốc hội ban hành ngày 28.6.2024 đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách hết sức mạnh mẽ, thuận lợi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong đó có cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội.
Vì vậy, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia kiến nghị, dự thảo Luật có thể nghiên cứu, nhân rộng chính sách trên để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng, quản lý, khai thác tài sản công được hiệu quả hơn để thực hiện hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Xác định giải pháp đột phá trong xây dựng nhân lực khoa học và công nghệ
Cho rằng, quy định thực hiện cơ chế tự chủ, chuyển đổi sang mô hình hoạt động doanh nghiệp là chưa phù hợp đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Lệ Thủy phân tích, các tổ chức khoa học này vừa phải bảo đảm trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, vừa phải bảo đảm trách nhiệm nghĩa vụ như doanh nghiệp. Nghĩa là, các tổ chức này vừa phải cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao về khoa học và công nghệ, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực.
Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan soạn thảo dự án Luật dự kiến tập trung vào 5 nhóm chính sách sửa Luật Khoa học và công nghệ. Một là, đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới, quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Hai là, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ. Ba là, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho sử dụng ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bốn là, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Năm là, tăng cường phổ biến tri thức khoa học và công nghệ.
Trong khi đó, các chính sách hiện tại chưa tạo ra động lực thực sự để thúc đẩy quá trình tự chủ của các đơn vị khoa học và công nghệ công lập. Nhiều vướng mắc do các quy định, hướng dẫn về cơ chế quản lý, ưu đãi hỗ trợ còn thiếu đồng bộ. Các quyền tự chủ của các đơn vị về quản lý tài sản, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực, người lao động… chưa cụ thể, chưa thể khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh áp dụng cơ chế tự chủ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh.
Đối với chính sách về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đánh giá cao, Chính phủ và các cơ quan đã có các quy định cụ thể, hướng dẫn quy định về phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Mặc dù vậy, tình trạng “chảy máu chất xám” trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hiện nay đang diễn ra hết sức phổ biến, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, gây mất ổn định đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển trước mắt cũng như lâu dài của các viện nghiên cứu.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh, một số Viện đang trong giai đoạn chuyển giao giữa các thế hệ, lực lượng cán bộ nghiên cứu phần lớn có tuổi đời còn trẻ, có trình độ, nhiệt tình trong công việc, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu cũng như thực tế sản xuất. Do đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét có cơ chế, chính sách liên quan tới tiền lương, tiền công của các nhà nghiên cứu, cán bộ khoa học và công nghệ. Xác định rõ giải pháp đột phá trong xây dựng lực lượng nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao.
“Chúng ta cần hoàn thiện quy định về chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Xác định các tiêu chí cụ thể đi kèm để tránh trường hợp lợi dụng, làm thất thoát ngân sách nhà nước”, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kiến nghị.
Giám đốc Học viện Dân tộc Trần Trung cũng đề nghị, ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với từng lĩnh vực. Có chính sách đột phá cho các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhà khoa học xuất sắc như cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, môi trường làm việc, nguồn lực và cơ chế giao nhiệm vụ, tôn vinh danh hiệu Nhà nước… Quy định cơ chế thí điểm về thu hút nguồn lực tài trợ nghiên cứu và thủ tục hành chính, thanh quyết toán tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp nước ta phát triển nhanh và bền vững, phát huy trí tuệ người Việt trên trường quốc tế, tạo vị thế cho quốc gia. Các đại biểu kỳ vọng, việc sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ cao nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững, thu hút tài năng quốc tế.
Giám đốc Học viện Dân tộc mong rằng, “dự thảo luật có các chính sách mở cửa và hỗ trợ nghiên cứu để thu hút các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế đến làm việc và cống hiến cho Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế và hợp tác với các tổ chức, quốc gia khác”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường TẠ ĐÌNH THI: Đổi mới sáng tạo cần được chú trọng
Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN. Đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH-CN; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức KH-CN công lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN trọng điểm; thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Theo đó, việc sửa đổi Luật cần gắn với ĐMST.
Giám đốc Học viện Dân tộc GS.TS. TRẦN TRUNG:
Định vị trường đại học là trung tâm đổi mới sáng tạoTrong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH-CN trở nên quan trọng. Luật Khoa học và Công nghệ cần được điều chỉnh để phù hợp với các cam kết quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế. Luật cần được cập nhật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà khoa học, nhà sáng chế và doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Điều này sẽ thúc đẩy sáng tạo và nâng cao giá trị của các phát minh, sáng chế. Các vấn đề mới liên quan đến an toàn, đạo đức trong nghiên cứu KHCN cần được quy định rõ ràng trong Luật. Điều này bao gồm các quy định về an toàn sinh học, bảo vệ dữ liệu cá nhân, và các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu. Sửa đổi Luật giúp tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong việc định hướng và giám sát hoạt động KH-CN, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực và phát triển bền vững. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của KH-CN, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt định vị trường đại học là trung tâm ĐMST, kiến tạo tri thức, kết nối hệ sinh thái KH-CN của quốc gia, ngành, lĩnh vực.
Chuyên gia Nguyễn Quang Tuấn:
Duy trì Quỹ phát triển khoa học công nghệViệc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ vẫn nên duy trì Quỹ phát triển KHCN cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp, tập đoàn có định hướng hoạt động trong dài hạn. Việc trích lập Quỹ nên dành cho doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ thì nên được tạo điều kiện giảm thuế trong việc sử dụng Quỹ phát triển KHCN. Đồng thời, trong Luật nên có quy định Quỹ KHCN tập trung vào hoạt động có tính rủi ro cao, phát triển sản phẩm nền tảng, công nghệ mũi nhọn. Ngoài ra, cần quy định riêng cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng Quỹ khác với doanh nghiệp tư nhân; những nhiệm vụ cụ thể trong việc sử dụng Quỹ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.