Vẫn còn nhiều thách thức
Chia sẻ thực tế tại doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, trước đây, việc số hóa tại Vinatex gần như "zero". Hơn 2 năm qua, Vinatex tập trung chuyển đổi số để có vị trí trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu; bảo đảm khả năng phát triển bền vững; và đáp ứng trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường.
Lấy ví dụ tại Nhà máy sợi Phú Bài, Chủ tịch Vinatex cho biết, trước đây nhà máy sử dụng 650 lao động, trung bình 130 lao động/10.000 cọc sợi, sử dụng 2,5ha đất. Tuy nhiên, nhà máy không có khả năng cung cấp dữ liệu số trực tuyến, không có khả năng sản xuất mặt hàng cao cấp. Sau khi đầu tư công nghệ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số từ cuối năm 2020 nhà máy chỉ còn 300 công nhân/10.000 cọc sợi, giảm 84% về lao động so với mô hình cũ và chỉ sử dụng 9.000m2. Hiện nhà máy nằm trong 3% doanh nghiệp làm sợi tốt nhất toàn cầu, sử dụng luân chuyển bằng dàn treo, robot và công nhân đi lại bằng xe điện. Chi phí tiết kiệm lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm của nhà máy mới.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Vinatex để đầu tư thay mới chỉ riêng các nhà máy sản xuất cọc sợi cần khoảng 17.000 tỷ đồng và thực hiện liên tục, đồng loạt gần 4 năm mới xong. Trong khi vốn điều lệ của Tập đoàn chỉ có khoảng 5.000 tỷ đồng. Do đó, theo Chủ tịch Vinatex khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số là không đủ nguồn lực để đi hết quá trình, đồng thời không đủ nhân lực để triển khai. Bởi vừa sản xuất, vừa chuyển đổi số khiến khối lượng công việc tăng đột biến 1,6 - 1,7 lần nên rất "dễ chết" giữa chừng. Trong khi thực tế không có một bộ giải pháp nào hoàn chỉnh để doanh nghiệp cần chuyển đổi số tự động làm theo. Nếu chọn công nghệ không đúng, chuyện khủng hoảng tài chính doanh nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, cần cân nhắc nhân lực và nguồn lực tài chính làm đến đâu, làm giai đoạn nào, nhân lực ra sao, ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Đối với ngành giao thông vận tải, PGS.TS. Nguyên Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, khó khăn thứ nhất trong chuyển đổi số là do đặc thù của ngành là quản lý mạng lưới cơ sở hạ tầng trên mọi lĩnh vực, phạm vi cả nước. Thứ hai là phương tiện giao thông vận tải đa dạng, thuộc các thành phần khác nhau. Chi phí logistics chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 16,8% GDP; trong đó, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng 59% chi phí logistics. Do đó, chuyển đổi số trong giao thông vận tải phải được thực hiện đồng nhất, cải thiện tỷ lệ xe chạy rỗng, kết nối các phương thức khác nhau để giảm thời gian, chi phí vận hành. Từ đó sẽ giảm chi phí vận tải và giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cầnhành lang pháp lý cho tài sản số
TS. Trương Văn Phước, Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ của các cấp và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân, chuyển đổi số đã đạt được những kết quả rất tích cực. Mặc dù vậy, chuyển đổi số vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong cuộc khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, 60% doanh nghiệp phản ánh đang gặp phải rào cản trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; 52,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số.
Theo TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, việc chuyển đổi số không hề đơn giản, sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức và hiệu quả không thể thấy ngay được. Do đó, việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia là điều rất quan trọng để tất cả các ngành, thành phần kinh tế có thể kết nối dữ liệu được với nhau. Việt Nam thực hiện khó hơn các nước phát triển hệ thống dữ liệu kết nối đã có từ lâu, phát triển từng bước. Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số kiến nghị, thời gian tới, các luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Vinatex kiến nghị cần có hành lang pháp lý cho tài sản số các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số. Bởi thực tế, chỉ có tài sản hữu hình mới được hạch toán chi phí khấu hao từ 12 - 15 năm. Trong khi đầu tư tài sản số không biết hạch toán thế nào, chế độ khấu hao phân bổ ra sao.
Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, phải chuyển đổi từ thể chế quản trị doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; khấu hao tài sản chuyển đổi số phải được tính toán, hạch toán cụ thể chứ không thể coi chỉ là tài sản hữu hình. Đồng thời, Nhà nước cần có sự chuẩn bị và hỗ trợ cả về mặt thể chế và tài chính để các doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm thì mới hiệu quả.