Báo cáo tài chính quý 3.2023 của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank; mã chứng khoán: VAB) thể hiện mức thu nhập lãi thuần đạt 141 tỷ đồng, chỉ bằng 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, các mảng hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư của nhà băng này đều giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, thu nhập từ hoạt động khác tăng nhẹ lên 39 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động của nhà băng này trong quý 3 cũng tăng 20,9% lên mức 225 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, VietABank báo lãi trước thuế đạt 63 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi trước thuế thấp nhất kể từ quý 3.2020.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, VietABank đạt lợi nhuận 592 tỷ đồng giảm 26,9% so với 9 tháng năm 2022, tương đương thực hiện 46,5% mục tiêu cả năm.
Nguyên nhân của việc suy giảm mạnh thu nhập và lợi nhuận đến từ thực trạng tăng trưởng tiền gửi cao gấp nhiều lần cho vay. Theo đó, tiền gửi đến hết quý 3 đạt 87.658 tỷ đồng, tăng 24,2% so với hồi đầu năm. Trong khi đó, cho vay khách hàng chỉ tăng trưởng hơn 6% lên mức 66.725 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 43 tỷ đồng trong quý 3 (gấp hơn 2 lần quý cùng kỳ năm trước) cũng là một trong những yếu tố làm giảm lợi nhuận VietABank.
Về chất lượng cho vạy, cuối quý 3, tổng nợ xấu của VietABank là 1.129 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn chiếm đa số khi đạt mức 1.087 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của VietABank vào cuối quý 3 là 1,69%, tăng nhẹ so với mức 1,53% đầu năm.
Cũng liên quan đến vấn đề nợ xấu, trong số nợ có khả năng mất vốn của VietABank có khoản nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland (có địa chỉ tại 54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội); được biết, ngày 30.11.2020 khoản nợ này đã chuyển sang nhóm nợ 3, ngày 31.10.2021 chuyển nhóm nợ 4, tính đến cuối tháng 5.2023 Vicoland vẫn đang nợ VietABank 500 tỷ đồng, thuộc nhóm nợ 5 (dư nợ có khả năng mất vốn).
Liên quan đến khoản nợ của Vicoland, ở thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, VietABank chưa phân loại nợ đúng quy định với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland. Theo quy định nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 và 5 nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1.
Theo tìm hiểu, Ngày 31.12.2015, VietABank chi nhánh Hà Nội (số 34B Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã ký hợp đồng số 503-02/15/VAB/HĐTCQTS-HTTTL với Công ty Vicoland.
Tài sản đảm bảo là: “Quyền tài sản phát sinh từ “Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland làm chủ đầu tư…”.
Đáng nói, mặc dù được ký hợp đồng từ 2015, song tới ngày 25.1.2016 dự án khu nghỉ dưỡng Huyền Thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort mới được cấp phép xây dựng số 01/2016/GPXD của Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Được khởi công ngay sau đó, ngày 28.1.2016, thời điểm đó, ông Bùi Đức Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vincoland tự tin rằng, với Dự án Mediterraneo Resort, Vicoland và đối tác phát triển dự án Tập đoàn Việt Phương (Hà Nội) cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực và bắt tay ngay vào triển khai dự án đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Tuy nhiên, vài năm sau đó, dự án liên tục chậm tiến độ trong thời gian dài rồi lại “rục rịch” triển khai trở lại. Trước đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo BQL khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đôn đốc Tập đoàn Vincoland tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Mới đây nhất, tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 về Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải cũng được nhắc đến trong danh sách các dự án công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Thực trạng nêu trên có thể thấy việc thế chấp các quyền tài sản liên quan đến Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland có nguy cơ cao dẫn đến rủi ro, khả năng mất vốn của VietABank.