Tín hiệu tích cực
Tại Công điện số 1360/CĐ-TTg ban hành mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; bám sát diễn biến thị trường để chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán; khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian sớm nhất nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư tổ chức; kịp thời, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Bộ cũng cần chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an sớm hoàn thành việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư; tiến tới việc rà soát, làm sạch dữ liệu về nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán, góp phần nâng cao tính an toàn, minh bạch của thị trường…
Không phải đến bây giờ, vấn đề nâng hạng thị trường mới được đặt ra. Thực tế, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, Bộ Tài chính (trực tiếp là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã rất nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức quốc tế để nâng hạng thị trường chứng khoán. Dù vậy, với Công điện lần này của Thủ tướng đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi, thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB, đánh giá.
Chia sẻ với báo chí, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc chỉ rõ, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo giải pháp cho phép các công ty chứng khoán được nhận lệnh ký quỹ của khối ngoại sẽ gỡ khó cho thị trường, góp phần vào lộ trình nâng hạng thị trường. Cùng với những giải pháp đã triển khai, Công điện lần này của Thủ tướng thực sự là tín hiệu tích cực cho thị trường trong trung và dài hạn.
Có thể thu hút 5 tỷ USD nếu nâng hạng
Theo đánh giá của cơ quan quản lý và giới chuyên gia, việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đem lại nhiều lợi ích, như thu hút dòng vốn ngoại gián tiếp; cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa của Chính phủ; gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư; thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài mới. Thông qua đó, có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán và sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.
Dự báo của các tổ chức uy tín cho thấy, nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút tới 5 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này là vấn đề không đơn giản.
Để sớm nâng hạng, các chuyên gia đề xuất, cần cách làm quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn, trong đó có vấn đề về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch, thậm chí tiến tới bỏ ký quỹ; có những biện pháp phòng chống rủi ro; tiến tới giao dịch T+0. Việc tới đây triển khai hệ thống KRX và phía các công ty cũng đã có bước chuẩn bị chạy đà trong thời gian qua sẽ đóng vai trò quan trọng để rút ngắn quãng đường nâng hạng thị trường.
Việc nâng hạng thị trường là cần thiết, qua đó góp phần phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững. Song, điều này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của riêng Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Bởi lẽ, những công cụ phòng ngừa rủi ro trong chênh lệch tỷ giá, trong khả năng chuyển đổi ngoại tệ là những công cụ tài chính và liên quan tới các bộ, ngành khác. Vì thế, rất cần sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành cũng như nỗ lực chung của các thành viên thị trường để đẩy nhanh quá trình nâng hạng.
Về phần mình, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận, trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để tăng cường hiệu quả quản lý điều hành, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và bền vững hơn. Cụ thể, Ủy ban sẽ chú trọng hơn nữa công tác tái cơ cấu hiệu quả thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật thị trường thông qua giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.