CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán: TNH) vừa có nghị quyết triển khai đầu tư thực hiện Dự án Bệnh viện đa khoa chuyên sâu về Ung bướu - TNH tại TP. Đà Nẵng.
Theo đó, dự án này sẽ được đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) và thực hiện theo loại hợp đồng BOT (đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Đến cuối tháng 3, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã có ba chi nhánh gồm: chi nhánh Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, chi nhánh Bệnh viện Đa khoa Yên Bình, và chi nhánh Bệnh viện TNH Việt Yên. Ngoài ra, công ty còn sở hữu Bệnh viện TNH Lạng Sơn với tỷ lệ nắm giữ vốn lên tới 84,5%.
Đồng thời, công ty cũng muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh là hoạt động y tế dự phòng, bao gồm các dịch vụ tiêm chủng và tiêm vaccine phòng bệnh.
Diễn biến gần đây, loạt lãnh đạo chủ chốt của TNH đã nộp đơn xin từ nhiệm trước thềm ĐHĐCĐ thường niên. Cụ thể, công ty đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Xuân Đôn, Thành viên Hội đồng Quản trị, bà Lê Thị Ánh Hằng, Trưởng Ban Kiểm soát, và ông Đặng Đức Tuấn, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025. Các cá nhân này đều xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của TNH sẽ diễn ra vào ngày 28/6/2024 tại TP. Thái Nguyên. Theo kế hoạch, TNH đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 540 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng cho năm 2024, tăng lần lượt 15% và 3,3% so với năm 2023.
Tại đại hội này, công ty sẽ đề xuất đổi tên từ CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thành CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1.2024 mới công bố, Công ty ghi nhận doanh thu đạt gần 92,5 tỷ đồng, giảm 12,82% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 14,9 tỷ đồng, giảm hơn 39% so với cùng kỳ.
Tính đến thời điểm cuối quý 1.2024, tổng tài sản của TNH gần như đi ngang so với đầu năm, đạt hơn 2.131 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng giảm mạnh 59,41% xuống còn 81,7 tỷ đồng; trong khi chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 25,42% lên 543,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Việt Yên tại Bắc Giang tăng từ 384,82 tỷ đồng lên hơn 487 tỷ đồng.
Mặt khác, nợ phải trả tăng 14% lên hơn 464 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 5,27% lên 197,6 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 27,56% lên gần 245,3 tỷ đồng.