Xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi):

Bảo đảm nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản

- Thứ Hai, 18/09/2023, 05:34 - Chia sẻ

PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Bộ Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình tổng kết thi hành Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, làm cơ sở để lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi trình Chính phủ trước ngày 1.8.2024. Đây là luật chuyên ngành và liên quan đến vấn đề rất nhạy cảm quốc tế về năng lượng nguyên tử, vì thế, việc xây dựng Luật phải bảo đảm các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Vì sao phải bảo đảm các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân?

Trước hết, phải khẳng định rằng, Luật Năng lượng nguyên tử được ban hành đến nay đã 15 năm và bộc lộ những bất cập. Nhiều quy định khác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử về bảo đảm an toàn, an ninh, không phổ biến hạt nhân và bồi thường hạt nhân cũng chưa được quy định hoặc quy định không đầy đủ trong Luật mà thực tiễn lại đang đòi hỏi. Hiện, Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Công nghệ hạt nhân với một lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới công suất gấp hơn 20 lần lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Vì thế, việc sửa đổi Luật là nhu cầu cần thiết khách quan. Bộ Khoa học và Công nghệ đang trong quá trình tổng kết thi hành Luật, làm cơ sở để lập hồ sơ xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào quý II.2026.

Ảnh minh họa ITN
Nguồn: ITN

Đây là một luật chuyên ngành và liên quan đến vấn đề rất nhạy cảm quốc tế về năng lượng nguyên tử. Vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi đòi hỏi chúng ta cần hết sức chặt chẽ, khoa học, đặc biệt là phải bảo đảm các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mà các quốc gia thành viên như Việt Nam buộc phải tuân thủ. Vậy vì sao cần phải bảo đảm các nguyên tắc này?

Mục đích của nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản của IAEA là để bảo vệ con người và môi trường khỏi các ảnh hưởng có hại của bức xạ ion hóa trong các hoạt động sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả vận chuyển, lưu giữ chất phóng xạ…). Còn mục đích của nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản là để bảo vệ con người, tài sản, xã hội và môi trường khỏi các tác động có hại của bức xạ do các sự cố mất an ninh hạt nhân gây nên.

Căc cứ trên các nguyên tắc an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản, IAEA đã xây dựng các yêu cầu và hướng dẫn để đạt được mục đích của các nguyên tắc này. Các nguyên tắc này chính là cơ sở để xây dựng toàn bộ hệ thống luật pháp về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, do đó phải được quy định thành các chính sách năng lượng nguyên tử quốc gia trong Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi.

Các nguyên tắc đó là gì?

Có 10 nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và 12 nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA để làm căn cứ xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử.

Cụ thể, 10 nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản, gồm: Nguyên tắc 1 - trách nhiệm đối với an toàn (trước hết là của cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm đối với cơ sở và hoạt động làm tăng nguy cơ bức xạ); nguyên tắc 2 - vai trò của Chính phủ (thiết lập và duy trì một khuôn khổ pháp luật và điều hành hiệu quả đối với công tác bảo đảm an toàn, trong đó có việc thành lập một cơ quan pháp quy độc lập); nguyên tắc 3 - lãnh đạo và quản lý an toàn (phải thiết lập và duy trì bộ máy này trong các tổ chức có liên quan cũng như trong các cơ sở và hoạt động làm tăng nguy cơ bức xạ); nguyên tắc 4 - luận chứng các cơ sở và hoạt động (cơ sở và hoạt động làm tăng nguy cơ bức xạ phải đem lại lợi ích chung lớn hơn rủi ro bức xạ mà nó có thể gây ra); nguyên tắc 5 - tối ưu hóa việc bảo vệ (bảo đảm mức độ an toàn cao nhất có thể đạt được một cách hợp lý); nguyên tắc 6 - giảm thiểu nguy cơ đối với con người; nguyên tắc 7 - bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai; nguyên tắc 8 - phòng ngừa tai nạn; nguyên tắc 9 - sẵn sàng ứng phó sự cố; nguyên tắc 10 - hành động bảo vệ để giảm nguy cơ bức xạ hiện hữu hoặc mất kiểm soát.

12 nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản, gồm: Nguyên tắc 1 - trách nhiệm của quốc gia (phải thiết lập, thực hiện, duy trì và bảo đảm tính bền vững của một chế độ bảo đảm an ninh hạt nhân cho các vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ khác, các cơ sở hạt nhân và các hoạt động liên quan thuộc quyền tài phán của quốc gia); nguyên tắc 2 - nhận diện và xác định các trách nhiệm an ninh hạt nhân; nguyên tắc 3 - khuôn khổ luật pháp và pháp quy hạt nhân; nguyên tắc 4 - vận chuyển quốc tế vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác (quốc gia phải bảo đảm an ninh cho các vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác được vận chuyển quốc tế trong vùng tài phán của quốc gia cho đến khi chuyển giao trách nhiệm cho quốc gia khác); nguyên tắc 5 - vi phạm và xử phạt bao gồm cả tội hình sự; nguyên tắc 6 - hợp tác và trợ giúp quốc tế; nguyên tắc 7 - nhận diện và đánh giá các mối đe dọa về an ninh hạt nhân; nguyên tắc 8 - nhận diện và đánh giá các cơ sở hạt nhân quan trọng phải bảo đảm an ninh hạt nhân và hậu quả nếu bị phá hoại; nguyên tắc 9 - sử dụng các cách thức thông tin rủi ro; nguyên tắc 10 - ghi nhận các sự kiện về an ninh hạt nhân; nguyên tắc 11 - lập kế hoạch, chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó các sự cố an ninh hạt nhân; nguyên tắc 12 - tính bền vững của chế độ an ninh hạt nhân.

Những điểm cần lưu ý khi xây dựng Luật

Việc xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi cần quán triệt ngay từ đầu quan điểm phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và các nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA để tránh lại vi phạm như đã từng xảy ra với Luật năm 2008.

Việc xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử có thuận lợi rất căn bản là chúng ta có thể sử dụng hệ thống các tài liệu liên quan của IAEA. Ngoài ra, IAEA còn xây dựng một cuốn Luật Năng lượng nguyên tử mẫu để hướng dẫn các quốc gia thành viên cách thức xây dựng Luật này.

Khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, việc đầu tiên các đại biểu Quốc hội có thể yêu cầu cơ quan soạn thảo giải trình các nội dung của Luật so với tiêu chuẩn an toàn và an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA để thấy tính đầy đủ của các quy định và sự tuân thủ các nguyên tắc của IAEA. Tính đầy đủ được thể hiện ở chỗ các yêu cầu an toàn hạt nhân và các khuyến cáo an ninh hạt nhân của IAEA đã được nội luật hóa đầy đủ ở trong Luật sửa đổi. Còn việc tuân thủ được thể hiện ở chỗ không có quy định nào của Luật mâu thuẫn với các nguyên tắc của IAEA. Đây là 2 vấn đề cốt lõi nhất cần thẩm tra, trước khi đi vào xem xét chi tiết các điều khoản của Luật.

Do đó, trách nhiệm đầu tiên của Ban soạn thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi là phải Việt hóa được đầy đủ các tinh thần của 10 nguyên tắc an toàn hạt nhân cơ bản và 12 nguyên tắc an ninh hạt nhân cơ bản của IAEA thành các chính sách năng lượng nguyên tử quốc gia để đưa vào trong Luật, làm cơ sở xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và quy định pháp quy trong Luật.

Luật Năng lượng nguyên tử chỉ nên điều tiết về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong các hoạt động sử dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ theo nghĩa rộng và thực thi các điều ước quốc tế về không phổ biến hạt nhân và bồi thường hạt nhân; tuyệt đối tránh tình trạng cùng một nội dung về phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội mà đưa cả vào luật chuyên ngành và Luật Năng lượng nguyên tử sẽ gây chồng chéo.