Tốt hơn theo từng năm
Tại tọa đàm, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, KBNN thực hiện nhiệm vụ lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) từ năm 2018 theo quy định của Luật Kế toán. Mục đích là cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính, ngân sách nhà nước để phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc KBNN - cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp thông tin và lập BCTCNN toàn quốc cho biết: đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam; quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong khu vực nhà nước và cả các tổ chức quốc tế. Nhờ đó, BCTCNN các năm 2018, 2019, 2020 và năm 2021 đã được hoàn thành để trình, báo cáo các cấp thẩm quyền theo quy định.
“BCTCNN đã phản ánh bức tranh sơ bộ về tổng tài sản, tổng nợ phải trả, nguồn vốn của nhà nước cũng như sự vận động các nguồn lực của nhà nước trong một năm tài chính với chất lượng được cải thiện theo từng năm”, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.
Mặc dù chất lượng BCTCNN đang từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn những tồn tại, đặc biệt là thông tin chưa đầy đủ. Một phần nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước (KBNN), số lượng các tài sản kết cấu hạ tầng vô cùng lớn; hơn nữa, hiện KBNN được giao tổng hợp và lập báo cáo dựa trên số liệu do các cơ quan, đơn vị cung cấp.
Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cho biết, có rất nhiều đối tượng tài sản công khác nhau, khi đối chiếu với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thấy rõ sự trùng lặp, hạch toán lẫn lộn giữa các đơn vị. Ví dụ, đường kết nối giữa các khu đô thị và hạ tầng giao thông tại địa bàn được các đơn vị khai thác và nằm trong báo cáo của đơn vị, thế nhưng với góc độ quản lý tài sản công, đây cũng là cơ sở hạ tầng nên khi hạch toán dẫn đến sự trùng lặp.
Do BCTCNN chưa phản ánh, phân tích, đánh giá được đầy đủ, toàn diện, chính xác tình hình tài chính nhà nước, đặc biệt là số liệu tài sản kết cấu hạ tầng nên Việt Nam chưa công khai báo cáo này. Theo lộ trình dự kiến của Bộ Tài chính, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tổng hợp và báo cáo đầy đủ vào báo cáo thông tin về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa), thủy lợi. Từ 2026 - 2030, sẽ tổng hợp đầy đủ thông tin tài sản kết cấu hạ tầng; công khai báo cáo và thực hiện kiểm toán báo cáo.
Anh: Mất 10 năm mới công bố báo cáo
Thông thường các quốc gia, trong đó có Anh, đều cần 7 - 10 năm để chuyển sang kế toán dồn tích và lập Báo cáo tài chính Chính phủ và mất cả chục năm mới công khai báo cáo đầu tiên.
Ông Henning Diederichs, Giám đốc chuyên môn của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), cho biết, “rất mất thời gian để xây dựng đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm cần thiết, cũng mất thời gian để chất lượng báo cáo tài chính đạt mức chấp nhận”. Theo Giám đốc chuyên môn của ICAEW, chất lượng dữ liệu còn thiếu nhưng điều này chỉ có thể cải thiện theo thời gian. “Việc định giá bất động sản - như dải đất 15 - 20 mét hai bên trục đường sắt, định giá là di sản hay tài sản vô hình luôn là bài toán khó”.
“Quyết định chính trị thực hiện kế toán dồn tích được ban hành năm 1994, sau đó phải mất đến 7 năm, báo cáo tài chính dồn tích đầu tiên được phát hành trên cơ sở UK GAAP (nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung) được phê duyệt. Cũng phải mất 10 năm nữa báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên mới được công bố”, ông nói.
Với Việt Nam, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, cho rằng, “việc nâng cao chất lượng báo cáo với mục tiêu để người sử dụng các cấp và cấp cao nhất là Quốc hội nắm được tài sản và nguồn lực của quốc gia, từ đó có những giải pháp, hoạch định chính sách vĩ mô, chủ trương, đường lối, hướng đi của nền kinh tế đất nước là rất cần thiết”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, để đạt được mục tiêu BCTCNN năm 2025 phản ánh trung thực, khách quan thông tin, số liệu tài chính nhà nước theo quy định của Luật Kế toán, thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: hoàn thiện khung pháp lý, phát triển các hệ thống thông tin phục vụ lập BCTCNN, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.