Thách thức rất lớn
Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, với hai mô hình đã đạt những thành công quan trọng bước đầu là Deep C và Nam Cầu Kiền.
Ông Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP. Hải Phòng, cho rằng, có được điều này là bởi Thành phố đã có sự tiếp cận sớm để đưa kinh tế tuần hoàn và phát triển các khu công nghiệp sinh thái vào mục tiêu chiến lược, từ đó giao nhiệm vụ triển khai cụ thể cho Ban quản lý các khu kinh tế làm cơ quan đầu mối, cùng các sở ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Với sự ủng hộ chung và các hoạt động triển khai có tính chất đồng bộ từ các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp cảm nhận được sự thuận lợi nên có niềm tin và xác định đây là hướng phát triển mang tính xu thế cùng đóng góp với mục tiêu phát triển chung của Thành phố, từ đó huy động tối đa nguồn lực trong từng quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, có phần không nhỏ đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, khi xác định việc phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình khu công nghiệp sinh thái là chiến lược phát triển bền vững và là xu thế tất yếu sẽ đem lại hiệu quả lớn, lâu dài. Doanh nghiệp nhận thức và đánh giá được cơ hội tạo sự khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh khi bứt phá đi tiên phong.
Dù vậy, theo ông Tân, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái vẫn còn những khó khăn, thách thức, trong đó mấu chốt vẫn là ở cơ chế, chính sách. Đơn cử, Nghị định số 35/2022 quy định rõ về những chính sách ưu đãi cho Khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, trong đó nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý; doanh nghiệp được ưu tiên cung cấp thông tin có liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động của mình. Song, quy định này vẫn mang tính chung chung và khó áp dụng vào thực tiễn. Muốn đến được với doanh nghiệp, cần có quy định cụ thể như bộ ngành, cơ quan nào đầu mối thực hiện; thông tin được cung cấp bởi tổ chức thống kê hay nghiên cứu nào, đối tượng và phạm vi được tiếp cận ra sao…
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, xác nhận: Trở ngại lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, vẫn đang trong quá trình sửa đổi và điều chỉnh. Hiện, khu công nghiệp sinh thái liên quan đến nhiều luật như Đất đai, Quy hoạch, Bảo vệ môi trường, Xây dựng… Song, do quy định chưa đầy đủ, chưa thống nhất nên việc triển khai rất khó khăn.
Minh chứng rõ hơn, ông Điệp cho biết, khu công nghiệp có kinh tế tuần hoàn buộc phải quy hoạch khu xử lý rác thải rắn, song Luật Quy hoạch lại không có. Nếu muốn làm thì phải đi xin làm lại quy hoạch và quá trình này mất rất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, nhiều quy định, quy chuẩn hướng dẫn về tuần hoàn tái sử dụng chất thải còn chưa rõ ràng, thiếu thống nhất khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện. Mặt khác, việc thay đổi nhận thức về hành vi trong sản xuất kinh doanh cũng không phải là vấn đề đơn giản.
Một khó khăn nữa được TS. Mai Văn Sỹ chỉ ra tại một hội thảo về phát triển khu công nghiệp sinh thái cách đây chưa lâu là chi phí đầu tư rất tốn kém. Trong bối cảnh hiện nhiều doanh nghiệp vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm khu công nghiệp, đây thực sự là một trở ngại lớn và không dễ vượt qua!
Nên có chính sách ưu đãi riêng
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và đại diện doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2030 có từ 40 - 50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% - 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư là thách thức rất lớn. Dù vậy, mục tiêu này vẫn có thể khả thi.
Đề xuất giải pháp cụ thể, ông Lã Thanh Tân cho rằng, trước tiên, cần sớm cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP để việc áp dụng đi vào thực tiễn. Chính quyền các tỉnh/thành phố có sự tiếp cận đồng bộ, đưa việc phát triển khu công nghiệp sinh thái trên địa bàn là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch của tỉnh, cũng như xem xét áp dụng một số ưu đãi riêng cho những đơn vị phát triển hoặc chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái thành công.
Cùng với đó, phải giảm thủ tục hành chính chứng nhận khu công nghiệp sinh thái. Theo quy trình các bước như Nghị định 35/2022/NĐ-CP hiện nay khó áp dụng bởi nhiều bước, và liên quan đến nhiều cấp từ địa phương đến Trung ương. Đồng thời, xem xét thiết lập cơ chế ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái (các loại thuế) cần tương đương với ưu đãi cho khu kinh tế mới hấp dẫn các nhà đầu tư chuyển đổi nhanh để phát triển bền vững.
Còn theo ông Phạm Hồng Điệp, quan trọng nhất là cần rà soát lại toàn bộ các quy định có liên quan đến phát triển công nghiệp theo hướng thống nhất, đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Nếu không sớm khắc phục được điều này sẽ không thể thu hút doanh nghiệp tham gia.
“Hỗ trợ tài chính rất cần, nhưng nếu chủ đầu tư không có mong muốn chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái thì dù có đổ bao nhiêu tiền của vào hỗ trợ cũng khó lòng đạt được. Nhưng để khuyến khích chủ đầu tư, cơ chế chính sách phải thực sự hấp dẫn, thông thoáng thay vì thủ tục phiền hà”, ông Điệp nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho rằng, cơ chế một cửa tại chỗ trong khu công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí vì không phải đi nhiều cửa. Tuy nhiên, hiện rất nhiều thủ tục khác như điều chỉnh quy hoạch cục bộ, cấp phép xây dựng, cấp phép lao động… vẫn chưa được thực hiện một cửa tại chỗ. Vì thế, cần xem xét điều chỉnh vấn đề này. Thêm vào đó, hiện có sự chồng chéo giữa các quy định. Về lâu dài, để khắc phục điều này cần có Luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn. Việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… cũng rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Một trong những tiêu chí để thực hiện khu công nghiệp sinh thái là tối thiểu 20% doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng… Hiện, nhiều khu công nghiệp cũng đã chuyển dần sang sử dụng điện mặt trời mái nhà.
Tại Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt cũng nêu rõ: Điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất. Song, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp.