Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Áp dụng thuế hỗn hợp là cần thiết, nhưng phải có lộ trình

Chia sẻ tại Tọa đàm "Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 27.12, các đại biểu khẳng định, việc áp dụng mô hình thuế hỗn hợp (kết hợp thuế tuyệt đối và thuế tương đối) là rất cần thiết và “buộc phải làm”, song cần có lộ trình và được công khai.

Cần thiết sửa đổi Luật

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, từ năm 2008 đến nay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã 4 lần được sửa đổi bổ sung, qua đó, góp phần vào sự thành công của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.

Thực tế triển khai cho thấy, Luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Thứ nhất, Luật đã góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chẳng hạn, thuốc lá là mặt hàng tiêu dùng có hại cho sức khỏe của bản thân người dùng và những người xung quanh. Vì vậy, đây luôn là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất cao, được tăng theo lộ trình từ 65% lên 70% và từ năm 2019 là 75%. Tương tự, thuế suất với rượu 20 độ trở lên và với bia tăng từ 50% lên 55% vào năm 2016; lên 60% vào năm 2017 và từ năm 2018 là 65%.

Áp dụng thuế hỗn hợp là cần thiết, nhưng phải có lộ trình
Các đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai, Luật góp phần định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường thông qua việc quy định thuế suất thấp hơn đối với xăng sinh học; xe ô tô điện chạy bằng pin áp dụng thuế suất theo lộ trình: từ ngày 1.3.2022 là 3%, 2%, 1% và từ ngày 1.3.2027 là 11%, 7%, 4% tùy theo số chỗ ngồi…

Thứ ba, Luật góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2015 - 2020, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỷ trọng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt trên tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng từ 6,5% (2015) lên khoảng 8,3% (2020) và chiếm khoảng 2% GDP (2020).

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt còn một số hạn chế, như: đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện…

Trong bối cảnh đó, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là rất cần thiết. TS. Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, trải qua nhiều năm, nền kinh tế đã có sự phát triển, đời sống, thu nhập của người dân đã thay đổi, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi theo. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm tới vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững hơn. Do đó, việc xem xét cải cách và sửa đổi thuế trong quá trình phát triển là rất cần thiết; vấn đề là thay đổi như thế nào cần phải nghiên cứu, thảo luận kỹ.

“Chắc chắn chúng ta phải áp dụng thuế hỗn hợp”

Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong tháng 7.2023, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với 7 nhóm chính sách khi xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đó là hoàn thiện các quy định về: đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; căn cứ tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn thiện quy định về điều khoản thi hành.

Đối với chính sách hoàn thiện quy định về căn cứ tính thuế và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với rượu, bia theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, mô hình thuế hỗn hợp ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Đến nay, đã có 66 quốc gia áp dụng mô hình thuế hỗn hợp, 62 quốc gia áp dụng thuế tuyệt đối và 45 quốc gia áp dụng thuế tương đối (trong đó có Việt Nam). Việc áp dụng mô hình thuế nào sẽ phụ thuộc vào mỗi nước, và nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng khác nhau. Chẳng hạn, Hungary có 22 nhóm hàng hóa chịu thuế, Thụy Điển là 19, Anh là 21, Thái Lan khoảng 20 nhóm, Việt Nam là 17 nhóm và đang có yêu cầu mở rộng... “Đây là yêu cầu hợp lý, đặc biệt là với đồ uống có đường. Vấn đề là cần xem xét kỹ hơn mức thuế thế nào cho phù hợp”, ông Thịnh khuyến cáo.

Còn theo bà Đặng Ngọc Hương, Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), phương pháp thuế tương đối chỉ phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn trước đây, vì ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát, giảm thiểu việc điều chỉnh thuế thường xuyên, thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế. Tuy nhiên, thuế tương đối không mang lại hiệu quả mong muốn trong việc giảm tiêu thụ sản phẩm và có thể hướng người tiêu dùng đến việc tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, bất hợp pháp. Minh chứng là, lượng tiêu thụ cồn của Việt Nam vẫn tăng lên. Đáng chú ý, có tới 57% đồ uống có cồn ở Việt Nam là thuộc khu vực phi chính thức, đồng nghĩa thất thu ngân sách rất lớn.

Cũng theo bà Hương, thuế tiêu thụ đặc biệt hướng đến 3 mục tiêu là sức khỏe người tiêu dùng, ngân sách, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp. Tùy việc đặt mục tiêu nào cao hơn để lựa chọn mô hình thuế phù hợp. Nếu để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng thì thuế tuyệt đối là tốt nhất, nhưng với điều kiện của Việt Nam thì chưa nên áp dụng vì có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa. Do vậy, cần một bước chuyển - đó là mô hình thuế hỗn hợp và rất khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Tất nhiên, nếu chuyển sang thuế hỗn hợp sẽ gặp khó khăn, như trường hợp của Philippines, song nước này cũng đã giảm được lượng tiêu thụ cồn của người dân, đồng thời giải quyết được vấn đề công bằng giữa sản phẩm quốc nội và sản phẩm nhập khẩu, đại diện Eurocham thông tin.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nhận xét, xu hướng áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn đã rõ, bởi đây là phương pháp tiên tiến của thế giới. Hơn nữa, Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã yêu cầu nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và mới đây, Nghị quyết số 115 của Chính phủ đã định hướng vấn đề này. Vì những lẽ đó, bà Cúc cho rằng, “chắc chắn chúng ta phải áp dụng”, song cần phải có lộ trình và công khai lộ trình đó để doanh nghiệp chuẩn bị.

Khẳng định cộng đồng doanh nghiệp luôn tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, việc áp dụng thuế hỗn hợp cần phải được Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán cụ thể về lộ trình. Cùng với đó, hiện doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thể hiện ở tăng trưởng kinh tế cả năm nay khó đạt mục tiêu 6,5%, vì thế, các doanh nghiệp đều mong được lùi thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. “Chúng tôi không phản đối việc tăng thuế, chỉ mong được lùi lại”, bà Thủy phát biểu.

Kinh tế

Phấn đấu đến hết tháng 5.2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn
Kinh tế

Phấn đấu đến hết tháng 5.2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Cục Thuế cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã triển khai hiệu quả hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ 99%. Trong đó, khoảng 86% số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện ‘‘hoàn thuế trước, kiểm tra sau’’ đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ của người nộp thuế.

Lá chắn vững chắc cho hợp tác xã
Doanh nghiệp

Lá chắn vững chắc cho hợp tác xã

Một trong những nội dung quan trọng thu được tại Hội thảo “Bàn giải pháp bảo hiểm cho Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh” do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây chính là sự thống nhất về tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp.

Đoàn công tác EVN kiểm tra công tác chuẩn bị sản xuất điện mùa khô tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2
Doanh nghiệp

Chuẩn bị tốt công tác sản xuất điện mùa khô

Bảo đảm nhiên liệu cho sản xuất, chủ động bảo dưỡng thiết bị, phát động thi đua để tạo không khí sôi nổi trong lao động… Đó là một số giải pháp trọng tâm mà các đơn vị quản lý các nhà máy nhiệt điện trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhằm mục tiêu cung ứng điện ổn định, liên tục trong cao điểm mùa khô 2025.

Ảnh minh họa
Kinh tế

Xuất khẩu rau quả khó đạt mục tiêu

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) Đặng Phúc Nguyên, kim ngạch xuất khẩu rau quả sụt giảm trong quý I là diễn biến trái ngược với năm trước. Nếu tình trạng này kéo dài, xuất khẩu rau quả dự kiến chỉ đạt trên dưới 6 tỷ USD trong khi mục tiêu đặt ra là 7,6 - 8 tỷ USD.

Toàn cảnh diễn đàn
Kinh tế

Hỗ trợ hợp tác xã xanh hóa

Tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2025 với chủ đề “Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 11.4, các chuyên gia cho rằng, "xanh hóa" sản xuất là điều tất yếu với các hợp tác xã. Để quá trình chuyển đổi thành công, cần có khung chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp hợp tác xã tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường.

Ảnh minh họa
Kinh tế

Tăng lượng bán điện mặt trời mái nhà để khuyến khích đầu tư

Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, việc quy định lượng điện dư thừa từ hệ thống mặt trời mái nhà được phép bán ra tối đa 20% tổng công suất đã gỡ rào cản cho doanh nghiệp, người dân đầu tư năng lượng sạch. Dù vậy, cơ quan quản lý cần xem xét để nâng mức bán điện vượt ngưỡng này để khuyến khích đầu tư.

Ảnh minh họa
Kinh tế

Doanh nghiệp vẫn loay hoay dù sắp thí điểm thị trường carbon

Dự kiến vận hành thí điểm từ giữa năm 2025, thị trường carbon đang được kỳ vọng trở thành công cụ quan trọng giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy nhiên, trong khi khung pháp lý và cơ chế vận hành vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều doanh nghiệp tham gia sớm vào thị trường này cho biết họ đang gặp không ít khó khăn.

Các chuyên gia tại Hội thảo
Kinh tế

Cải cách thể chế tạo động lực tăng trưởng

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025" ngày 10.4, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh: thể chế chính là "cốt lõi mềm" của tăng trưởng; trong bối cảnh cửa sổ dân số vàng sắp khép lại, không cải cách thể chế đồng nghĩa với việc đánh mất động lực tăng trưởng.

Taseco Land tham gia đấu giá dự án tại đô thị lõi trung tâm của TP. Thái Nguyên
Bất động sản

Taseco Land tham gia đấu giá dự án tại đô thị lõi trung tâm của TP. Thái Nguyên

Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) chính thức phê duyệt việc tham gia đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên - một trong những dự án chiến lược của tỉnh trong giai đoạn phát triển đô thị 2025-2030.