Thúc đẩy hợp tác tư pháp Việt Nam - Lào

- Chủ Nhật, 15/05/2022, 07:00 - Chia sẻ

Được khởi động vào cuối tháng 3.2018, Dự án “Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào” (2018 - 2022), thực hiện từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào đã gần đến giai đoạn nước rút với nhiều khối lượng công việc đã được hai bên triển khai, hoàn thành.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tư pháp Lào

Ngày 26 - 28.11.2017, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã bàn giao Hồ sơ văn kiện Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào cho Bộ trưởng Tư pháp Lào Xay-xỉ Xẳn-ti-vông.

Thúc đẩy hợp tác tư pháp Việt Nam - Lào -0
Lễ Khai giảng Lớp thí điểm đào tạo nghiệp vụ thi hành án, nghề công chứng, nghề tư pháp cho Học viện Tư pháp Quốc gia Lào

Đây là Dự án từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Lào - dự án đầu tiên trong lĩnh vực pháp luật đã được Thủ tướng cho phép chuyển sang Lào để thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành. Việc thực hiện Dự án có ý nghĩa quan trọng này đã góp phần tăng cường và nâng cao năng lực của Học viện Tư pháp Lào, đội ngũ cán bộ tư pháp của Lào đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Dự án được giao cho Học viện Tư pháp là đơn vị thực hiện với kinh phí trên 37 tỷ đồng, sau 36 tháng thực hiện, Dự án hỗ trợ cho Lào xây dựng, hoàn thiện 6 chương trình đào tạo, bồi dưỡng trên 6 lĩnh vực: xây dựng pháp luật, bao gồm cả đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế; thi hành án dân sự; công chứng; hòa giải các tranh chấp thương mại, trọng tài thương mại; phổ biến, giáo dục pháp luật; đào tạo 3 chức danh tư pháp: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Đồng thời, biên soạn 14 cuốn giáo trình, tài liệu giảng dạy đáp ứng 6 chương trình đào tạo, bồi dưỡng này.

Để đưa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho 6 lĩnh vực trên, triển khai có hiệu quả tại Lào, Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên của Học viện Tư pháp Lào thông qua 17 khóa đào tạo, bồi dưỡng (trong đó 14 khóa ngắn hạn, 3 khóa dài hạn) cho 285 cán bộ, giảng viên Học viện Tư pháp quốc gia; 16 cuộc hội thảo, toạ đàm tại Lào và Việt Nam.

Thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19

Từ sau lễ khởi động vào cuối tháng 3.2018, Dự án “Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào” các phần việc đã được hai bên thực hiện theo tiến độ cam kết. Tuy nhiên, phần lớn thời gian thực hiện dự án cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai Dự án một cách hiệu quả, thiết thực và bảo đảm tiến độ lại càng được hai bên chú trọng.

Cùng với việc hỗ trợ cho Lào xây dựng, hoàn thiện 6 chương trình đào tạo; các lớp tập huấn cũng đã được triển khai. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các lớp tập huấn, bồi dưỡng được tổ chức chủ yếu bằng hình thức trực tuyến. Chẳng hạn, ngày 7.9.2021, Học viện Tư pháp Việt Nam phối hợp với Học viện Tư pháp Quốc gia Lào tổ chức Lớp tập huấn kỹ năng và phương pháp giảng dạy 3 chương trình bồi dưỡng: Xây dựng văn bản pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết tranh chấp kinh tế bằng hòa giải, quyết định bằng trọng tài. Lớp tập huấn được tổ chức theo phương thức trực tuyến giữa điểm cầu Hà Nội và Viêng Chăn. Các lớp bồi dưỡng thực hiện bằng phương pháp giải quyết tình huống, thực hành đóng vai/hỏi đáp, trao đổi, thảo luận nhanh, chia sẻ kinh nghiệm…

Học viện Tư pháp Việt Nam phối hợp với Học viện Tư pháp Quốc gia Lào tổ chức Lớp tập huấn kỹ năng và phương pháp giảng dạy chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án (ngày 15.9.2021). Tại lớp tập huấn, các giảng viên Lào được giới thiệu về chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án theo Giáo trình đào tạo của Lào đã được phê duyệt; giới thiệu nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học khối kỹ năng cơ bản và kỹ năng chuyên ngành.

Gần đây nhất, ngày 9.5.2022, Học viện Tư pháp Việt Nam và Học viện Tư pháp Lào tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến Lớp thí điểm đào tạo nghiệp vụ thi hành án, nghề công chứng, nghề tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư). Để bảo đảm cho việc tổ chức thí điểm các chương trình đào tạo hiệu quả, trước đó các cơ quan hai bên đã tổ chức nhiều cuộc họp kỹ thuật trực tuyến để trao đổi, thống nhất dự thảo kế hoạch, dự toán tổ chức các lớp thí điểm chương trình đào tạo này.

Năm 2022 là năm cuối thực hiện Dự án, cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, ý nghĩa như 40 năm thiết lập quan hệ hợp tác tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào; Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa Học viện Tư pháp hai nước và tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của hai Đảng, hai Chính phủ, nhân dân Việt Nam - Lào… Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh hy vọng sự thành công của các lớp thí điểm đào tạo nói riêng và sự thành công của Dự án nói chung sẽ là hoạt động ý nghĩa nhất để chào mừng các sự kiện trọng đại này, góp phần gìn giữ, vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

ĐINH KHOA