Nhiều vấn đề lớn chờ quyết sách của Quốc hội

- Thứ Hai, 23/05/2022, 05:33 - Chia sẻ

Hôm nay, Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV khai mạc. Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp mong muốn Quốc hội sẽ đánh giá việc thực thi các gói hỗ trợ; làm rõ trách nhiệm và có giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công... để nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch. 

TS. PHÙNG ĐỨC TÙNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong:
Có giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm phục hồi tương đối tốt cho thấy triển vọng tích cực của cả năm. Tuy nhiên, tình hình thế giới đặt ra nhiều thách thức lớn đối với việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng của nước ta.

TS Phùng Đức Tùng

Điểm cần tháo gỡ đầu tiên là giá năng lượng tăng mạnh, đặc biệt là xăng dầu - đầu vào của nhiều ngành sản xuất, trong đó có ngành phân bón, qua đó tác động mạnh tới nông nghiệp và nông dân. Dự kiến giá xăng dầu thế giới còn cao, có thể lên trên 90 USD/thùng đến năm 2024, do đó Quốc hội cần tiếp tục xem xét giảm thuế phí liên quan xăng dầu để giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, trong đó có nông nghiệp. Bên cạnh đó, giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi tăng trưởng đạt thấp; giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới được 18,48%. Đây là vấn đề rất lớn cần Quốc hội thảo luận để tìm giải pháp, đồng thời chất vấn làm rõ trách nhiệm và gia tăng sức ép để Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Hiện, Chính phủ có xu hướng siết tín dụng vào bất động sản và chứng khoán. Tôi cho rằng, chúng ta không nên siết mà nên xem xét, có chính sách cho phù hợp. Nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp rất lớn. Nhà nước nên phát triển bất động sản ở những mảng mà thị trường thực sự có nhu cầu. Đối với chứng khoán cũng không nên thắt chặt. Nền kinh tế cần tạo ra nhiều kênh đầu tư khác nhau để thu hút người dân và chứng khoán là một kênh tốt vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam NGUYỄN CÔNG HÙNG:
Rà roát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua, Quốc hội đã thể hiện rõ vai trò sát cánh, đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Tuy vậy, các chính sách hỗ trợ đều đi kèm các điều kiện mà doanh nghiệp khó tiếp cận.

Ông Nguyễn Công Hùng

Chẳng hạn, Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì phải trích lập quỹ dự phòng. Trong khi đó, nếu lập quỹ này thì ngân hàng có chỉ số tín dụng xấu nên họ không muốn. Cũng theo Thông tư này, cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ áp dụng đến 30.6, tức chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Rất mong Quốc hội, Chính phủ xem xét kéo dài chính sách này giảm bớt điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp - hiện đang rất khát vốn. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp mong được kéo dài thời hạn hợp đồng tín dụng thêm 2 năm, bù đắp cho 2 năm chống chọi với dịch bệnh. Các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, thuế nên được kéo dài đến hết năm 2022 và cơ cấu chia đều cho thời gian giãn nợ thay vì tính cộng gộp.

Chúng tôi rất kỳ vọng kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện các gói hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tính thực chất, khả thi của các chính sách này. Chỉ khi chính sách hỗ trợ đến được với doanh nghiệp mới mong kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.

PGS.TS NGUYỄN VĂN SÁNH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long:
Tín hiệu lạc quan cho đồng bằng sông Cửu Long

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây là tin vui với người dân, là tín hiệu lạc quan cho sự phát triển của vùng.

PGS Nguyễn Văn Sánh

Thực tế, phát triển đồng bằng sông Cửu Long không phải cho riêng vùng này mà có ý nghĩa đối với quốc gia, bởi đây là trọng điểm về nông nghiệp, thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, vùng vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng, thế mạnh bởi vướng 3 nút thắt cổ chai về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và thể chế liên kết vùng.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nếu được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sẽ góp phần quan trọng gia tăng giá trị nông sản, đặc biệt là thủy sản, trái cây và lúa gạo. Bởi lẽ, hệ thống giao thông này sẽ kết nối hạ tầng logistics, nhất là cảng Cái Cui và cảng Trần Đề, trong tương lai sẽ tạo cơ hội nâng cao hạ tầng thị trường vùng và phát huy vai trò Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết 45/2022/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Từ kỳ vọng thành công của cơ sở hạ tầng thị trường này, kết hợp đào tạo lao động chất lượng cao và thể chế liên kết vùng sẽ là nền tảng quan trọng tạo cơ hội phát triển không gian kinh tế biển và không gian kinh tế nông nghiệp mà Nghị quyết  13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị Khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu. Qua đó, tạo thế và lực nhằm tìm đường phát triển đột phá đồng bằng sông Cửu Long, điều người dân trong vùng mơ ước.

MINH CHÂU ghi