Định hướng phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Liên kết khác biệt để “đi cùng nhau”

- Thứ Bảy, 21/05/2022, 06:27 - Chia sẻ

Gần đây, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp, gắn với điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, trở thành yếu tố nhận diện, làm nên thương hiệu riêng của khu vực. Tại “Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2 - 2022” tại Đồng Tháp ngày 20.5, các đại biểu thống nhất, muốn phát triển lâu dài và bền vững, các địa phương phải đi cùng nhau.

Phát huy thế mạnh du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp là một trong những sản phẩm được ưu tiên phát triển ở nhiều nước, bởi việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo ra sản phẩm mới cho ngành du lịch mà còn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo tồn và đa dạng sinh học, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ tự nhiên và môi trường. Du lịch nông nghiệp cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nông thôn thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu thụ nông sản và hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, tăng thu nhập và góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống...

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, mà Diễn đàn Kết nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một minh chứng cụ thể. Diễn đàn lần thứ nhất tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019 và nhiều hoạt động sau đó đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề cao vai trò của liên kết trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp. TP. Hồ Chí Minh là một đô thị hiện đại, nông nghiệp là một trong những tài nguyên góp phần tạo nên sự đa dạng của du lịch đô thị. TP. Hồ Chí Minh đã có một số sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như “Bình Chánh những điều chưa kể”, “Ngày bình yên trên vùng Đất Thép”, “Hóc Môn trên bến dưới thuyền, “Thành phố xanh bên dòng sông Sài Gòn”, “Lắng nghe hơi thở của rừng”, kết hợp phương tiện đường thủy và đường bộ, kết hợp tham quan các công trình kiến trúc hiện đại với trải nghiệm thiên nhiên ở ngoại ô thành phố.

Nhiều năm qua, việc phát triển và nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh được các địa phương chú trọng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành; hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Dương Anh Đức, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa địa phương đang trở thành chủ đạo. Từ đó người làm du lịch cần có hướng triển khai và tiếp cận du khách phù hợp hơn.

Tìm sự khác biệt để nâng cao giá trị sản phẩm

Để liên kết hợp tác đạt hiệu quả cao, ông Dương Anh Đức đề nghị 14 tỉnh, thành phố tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông cả đường thủy lẫn đường bộ để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; chú trọng đầu tư các trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nhằm tạo động lực để doanh nghiệp hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp địa phương.

Đồng thời, các địa phương có chính sách kích cầu đầu tư, trong đó hỗ trợ lãi vay cho cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP bảo đảm chất lượng và nguồn cung ổn định. Xây dựng câu chuyện về sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ, triển lãm, khu, điểm du lịch và phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại hoặc các gian hàng trên nền tảng công nghệ.

Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm. “Đặc biệt, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho từng địa phương cũng như thương hiệu chung của cả vùng”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Bé Bảy, thành viên Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) - người thành công với mô hình du lịch nông nghiệp chia sẻ: “Khi làm du lịch, người dân địa phương sẽ được tiếp cận nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm giao tiếp và nâng cao giá trị nông sản của mình. Cụ thể, ở Cồn Sơn, nhà vườn phục vụ khách tham quan và bán trái cây tại vườn, thu nhập cao hơn 300% so với lúc chưa làm du lịch”.

Để thu hút được du khách, nông dân làm du lịch phải chủ động tìm tòi, phát huy tính sáng tạo, tạo ra những giá trị cao cấp cho sản phẩm của mình. Đồng thời, nghiên cứu, học tập thêm những mô hình mới, tiếp cận khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch do ngành chức năng trang bị. Đặc biệt, cần tìm ra những điểm khác biệt trong văn hóa bản địa, thổ nhưỡng, vị trí địa lý nơi mình sinh sống để tạo điểm nhấn, viết nên câu chuyện nông nghiệp bản địa để nâng cao giá trị của sản phẩm.

Hiền Dung