Kịp thời phát hiện sai phạm
Tích cực triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, năm 2023, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Công tác triển khai và hướng dẫn thực hiện chính sách quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu cũng được tích cực triển khai.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, cơ quan hải quan đã chủ động rà soát quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo các bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn các cục hải quan và doanh nghiệp thực hiện thống nhất.
Riêng Vụ Thanh tra - Kiểm tra đã thực hiện 20 cuộc thanh tra chuyên ngành (9 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 11 cuộc triển khai trong kỳ), đã ban hành kết luận 18 cuộc; đang thực hiện 2 cuộc. Nhờ đó, tổng số tiền kiến nghị truy thu 123,112 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị về thuế 40,095 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 83,016 tỷ đồng; nộp ngân sách 75,374 tỷ đồng (bao gồm số thu lũy kế qua công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022). Cục Thuế Xuất, nhập khẩu cũngthực hiện 1 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch năm 2022 chuyển sang. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 3,459 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị về thuế 3,117 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 342 triệu đồng; nộp ngân sách nhà nước 4,840 tỷ đồng.
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã thực hiện 92 cuộc thanh tra chuyên ngành (11 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 44 cuộc triển khai trong kỳ); ban hành kết luận với 87 cuộc; đình chỉ thanh tra đối với 3 cuộc; đang thực hiện 2 cuộc. Theo đó, tổng số tiền kiến nghị truy thu đạt 81,941 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị về thuế 73,840 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 8,101 tỷ đồng; nộp ngân sách 133,691 tỷ đồng (bao gồm số thu lũy kế qua công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022). Một số cuộc thanh tra đột xuất, mang lại hiệu quả cao như Cục Hải quan TP. Hải Phòng 3 cuộc, thu nộp ngân sách nhà nước 38,137 tỷ đồng; Cục Hải quan TP. Đà Nẵng 3 cuộc, thu nộp ngân sách 16,942 tỷ đồng; Cục Hải quan Hà Nam Ninh thực hiện 3 cuộc; Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa thực hiện 9 cuộc.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các đơn vị cơ bản đã bám sát định hướng của Bộ Tài chính, hướng dẫn của Tổng cục; chủ yếu vẫn là thanh tra việc chấp hành pháp luật hải quan, pháp luật về thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong hoạt động loại hình gia công hàng hóa xuất khẩu, thanh tra về mã số, thuế suất hàng hóa nhập kinh doanh, xuất kinh doanh.
Đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, các lỗi sai sót thường gặp là sai sót trong báo cáo quyết toán, phát hiện chênh lệch giữa số liệu tồn kho nguyên phụ liệu thực tế với số liệu khai báo quyết toán với cơ quan hải quan, tồn nguyên phụ liệu thực tế chênh lệch với hồ sơ khai báo hải quan, chênh lệch giữa tồn kho thực tế và hồ sơ hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đối với loại hình hàng hóa có điều kiện, đa phần các doanh nghiệp phát sinh sai sót, vi phạm do thiếu hiểu biết hoặc thực hiện sai về thủ tục, chính sách pháp luật liên quan.
Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ
Nhằm từng bước hạn chế vi phạm Luật Hải quan cũng như tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại; song song với việc chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên mọi lĩnh vực; lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra đúng trọng tâm, trọng điểm; ngành hải quan còn tăng cường công tác kiểm tra nội bộ thông qua hình thức kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành hải quan và hệ thống camera giám sát công vụ.
Đặc biệt, thực hiện hoạt động kiểm tra công vụ tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Bình Dương và Quảng Ninh bằng hình thức trực tuyến từ ngày 1.11.2022 - 3.4.2023; đã truy thu số tiền thuế, xử phạt vi phạm hành chính 4,8 tỷ đồng và nộp vào ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng chủ động thu thập thông tin đề xuất kiểm tra công vụ đột xuất để tăng cường chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật phòng ngừa vi phạm; tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị để xảy ra vi phạm theo Công văn số 375/TCHQ-TCCB ngày 19.1.2023 và Thông báo số 2269/TB-TCHQ ngày 12.5.2023 về việc đề xuất kiểm tra nội bộ trên cơ sở kết quả kiểm tra trên 3 cấp, kiểm tra giám sát qua công tác trực ban, chuẩn bị kế hoạch thành lập các Đoàn kiểm tra đột xuất không công khai theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra việc thực hiện quy trình nghiệp vụ hải quan, các chỉ đạo của Tổng cục.
Đồng thời, thực hiện theo dõi, tổng hợp, kiến nghị, chấn chỉnh việc thực hiện các đề án, các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, bộ, ngành khác. Theo Tổng cục Hải quan, nhiều đơn vị đã tích cực, chủ động triển khai kế hoạch kiểm tra nội bộ. Nhìn chung, các cuộc kiểm tra nội bộ đã thực hiện đúng thời gian dự kiến; phát hiện ra các sai sót, chấn chỉnh công tác nghiệp vụ như công tác tổ chức cán bộ; điều chuyển cán bộ còn sơ suất, sai sót về hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, trích dẫn các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, sắp xếp tài liệu chưa theo quy định, công tác lựa chọn đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị công nghệ thông tin còn sai sót, chưa sử dụng tài khoản quản lý tập trung mà sử dụng tài khoản cá nhân; tăng cường công tác thu thập, phân tích thông tin và xác định trọng điểm trong công tác quản lý rủi ro...
Trong năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai thực hiện Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn Luật đúng quy định theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Thực hiện và hoàn thành kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ năm 2024 theo phê duyệt của Bộ Tài chính. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ thông qua hình thức kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành hải quan và hệ thống camera giám sát công vụ để kịp thời phát hiện những sai phạm của doanh nghiệp, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức.
Đồng thời, triển khai kiểm tra chức trách nhiệm vụ 3 cấp theo Quyết định số 4398/QĐ-TCHQ ngày 20.12.2016; tăng cường kiểm tra kỷ cương, kỷ luật theo các quy định tại Quyết định số 799/QĐ-TCHQ ngày 12.4.2023 ban hành quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm đối với công chức, viên chức trong ngành hải quan; đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong và ngoài ngành hải quan.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, toàn ngành thực hiện 113 cuộc thanh tra chuyên ngành (21 cuộc từ kỳ trước chuyển sang và 92 cuộc triển khai trong kỳ), đã ban hành kết luận 108 cuộc, ban hành 3 quyết định đình chỉ thanh tra đối với 3 cuộc (Quyết định số 601/QĐ-HQLA ngày 3.11.2023; Quyết định số 809/QĐ-HQBD ngày 6.11.2023 và Quyết định số 2155/QĐ-HQHP ngày 10.11.2023), đang thực hiện 2 cuộc. Tổng số tiền kiến nghị truy thu trong toàn ngành 336,691 tỷ đồng.
Trong đó, kiến nghị về thuế 244,865 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 91,826 tỷ đồng; đã thu nộp ngân sách nhà nước 216,669 tỷ đồng (bao gồm số thu qua công tác thanh tra). Đồng thời, tiến hành 127 cuộc kiểm tra nội bộ (16 cuộc từ năm 2022 chuyển sang và 110 cuộc triển khai trong kỳ), đã kết luận 122 cuộc, thu nộp ngân sách nhà nước 6,864 tỷ đồng.