Kinh tế Việt Nam- Nhìn từ giác độ các mục tiêu kinh tế vĩ mô

08/03/2008 00:00

Từ cuối năm 2007 bước sang đầu năm 2008, tình hình kinh tế nước ta biểu hiện hai trạng thái mâu thuẫn nhau. Trạng thái phấn khởi trước những thành tựu về KT – XH của đất nước sau một năm gia nhập WTO, vị thế kinh tế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Mặt khác đang có trạng thái lo lắng về những dấu hiệu bất ổn của tình hình kinh tế vĩ mô, mà nổi bật nhất và cũng là biểu hiện rõ nhất là hiện tượng lạm phát chưa kiểm soát được; Là bong bóng của thị trường bất động sản căng phồng và đang như “con ngựa bất kham” trước Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...

      Để góp phần lý giải hai trạng thái mâu thuẫn trên, xin có một số ý kiến đánh giá tình hình kinh tế, nhìn từ 4 mục tiêu của kinh tế vĩ mô, mà về lý thuyết cũng như  thực tế, mọi Chính phủ đều tập trung vào các công cụ chính sách để đạt cho kỳ được là: Tăng cường GDP với tốc độ cao và liên tục; Tăng số việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp; Ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát; Tăng xuất khẩu ròng.
      Trong 2 năm qua, nền kinh tế nước ta đã đạt được chỉ tiêu đề ra, với tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 8,5%. Tuy nhiên, đằng sau kết quả này vẫn còn nhiều điều phải xem xét. Đó là sự tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào chiều rộng. Kinh tế tăng trưởng, nhưng tính chất của nền kinh tế gia công và khai khoáng hoàn toàn chưa thay đổi. Chưa có dấu hiệu của một ngành nào, sản phẩm nào chuyển từ gia công sang thiết kế, sản xuất linh kiện sau 20 năm mở cửa và bảo hộ (thông thường ở các nước công nghiệp mới, chỉ trong khoảng 5 – 10 năm đã có sự chuyển đổi). Sự kéo dài chính sách bảo hộ và độc quyền đối với một số ngành và lĩnh vực kinh tế đã ảnh hưởng tới năng lực sáng tạo và cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây là nguyên nhân sâu xa và cốt lõi giải thích tại sao khi biến động giá nguyên liệu và nhiên liệu của thị trường thế giới, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các nước khác, trong khi lượng tiêu thụ nguyên, nhiên liệu của thị trường nước ta ít hơn nhiều. Về quan điểm phát triển, chúng ta luôn luôn xác định, mục tiêu tăng trưởng phải chú trọng cả số lượng và chất lượng. Nhưng trên thực tế chưa có những chính sách thực sự có tác dụng đến chất lượng tăng trưởng.
      Trong các năm qua, với tốc độ tăng đầu tư phát triển nhiều doanh nghiệp mới đã tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đặc biệt trong năm 2007 đã đạt được chỉ tiêu giải quyết hơn 1,6 triệu việc làm. Tuy nhiên, tình trạng “bán thất nghiệp” ở đô thị và nông thôn đang còn rất phổ biến. Tạo việc làm mới chủ yếu diễn ra ở khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó khu vực kinh tế nhà nước chiếm lượng vốn đầu tư rất lớn. Chưa có chính sách rõ nét về mối quan hệ giữa đầu tư và giải quyết việc làm cho từng lĩnh vực, từng địa bàn kinh tế. Thị trường lao động đang phát triển tự phát và không cân đối về cung – cầu. Tình trạng thất nghiệp và bán thất nghiệp đang tồn tại song song với tình trạng thiếu lao động có kỹ năng trong hầu hết các ngành kinh tế. Trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động không chuyển dịch tương ứng với cơ cấu giá trị, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Sự phát triển thị trường lao động không gắn liền với chính sách đào tạo nguồn nhân lực, nên dẫn đến tình trạng vừa thừa và thiếu trong quan hệ cung – cầu. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nghịch lý: Thừa vốn, thiếu lao động (lao động có kỹ năng, được đào tạo), mà đúng ra phải là ngược lại.
      Có lẽ trong vòng 10 năm qua, năm 2008 là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam đứng trước sự lựa chọn rất nghiệt ngã là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay kiểm soát lạm phát, khi hai mục tiêu này trở thành hai vấn đề mâu thuẫn nhau? Nếu năm 2008, nền kinh tế tiếp tục lạm phát 2 con số, thì những gì đã đạt được trong các năm qua sẽ bị xói mòn và các vấn đề xã hội sẽ gay gắt hơn. Diễn biến tình hình thị trường trong những tháng đầu năm 2008 cho thấy, lạm phát đang trở thành vấn đề kinh tế vĩ mô hàng đầu hiện nay. Điều đáng lo lắng nhất là dường như thị trường đang không còn đi theo ý muốn của chúng ta. Cụ thể là những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiềm chế giá cả hàng hóa, thị trường bất động sản, hâm nóng thị trường chứng khoán... đã giảm tác dụng. Vậy nguyên nhân từ đâu? 
      Tôi cho rằng nguyên nhân lạm phát là từ những nguyên nhân sâu xa của nền kinh tế, còn những tác động (cả khách quan lẫn chủ quan) trong năm 2007 chỉ là nguyên nhân nhất thời. Có thể phân tích như sau:
      Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa chính là nền kinh tế mất cân đối giữa tổng cung và tổng cầu trong nhiều năm liền do tăng đầu tư (trên 35% GDP), tăng sức tiêu thụ (doanh thu bán lẻ danh nghĩa tăng bình quân trên 20%/năm), tăng nhập khẩu (đòi hỏi phải tăng đối phần trong nước), tăng cung tiền tệ (bình quân 25%), tăng tín dụng nội địa (bình quân trên 35%), tăng công chi, trong khi đó lượng cung thực (sản lượng thực cộng với thâm hụt thương mại) chỉ tăng dưới 10%. Nếu phân tích kỹ từng yếu tố tác động đến tổng cung – tổng cầu thì sẽ thấy rất rõ khoảng chênh lệch đó chính là lạm phát. Câu hỏi đặt ra là tại sao lượng cung thực tăng thấp, trong khi các yếu tố có tác động tăng cung lại tăng cao? Câu trả lời là vì nền kinh tế không có khả năng hấp thụ các yếu tố sản xuất để có mức tăng trưởng cao tương ứng. Với mức tăng đầu tư và tín dụng như trên, nền kinh tế trong 3 năm qua phải tăng trưởng trên 10%, chứ không phải chỉ hơn 8%. Khoảng cách biệt đó là gốc của nguyên nhân gây lạm phát, khi chịu tác động bên ngoài như “những giọt nước làm tràn ly” hiện nay. Do đó, để kiểm soát lạm phát, một mặt áp dụng các giải pháp mang tính tình thế, cần phải tiến hành xây dựng một hệ thống chính sách và giải pháp đồng bộ dựa trên mối quan hệ tổng cung – tổng cầu của nền kinh tế.
      Thứ hai,  nguyên nhân trực tiếp là từ các yếu tố bên trong và bên ngoài xuất hiện trong năm 2007 như biến động giá nguyên vật liệu của thị trường thế giới, thiên tai, tăng công chi, tăng khối lượng tiền tệ, tăng đột biến tín dụng, tăng tiền lương danh nghĩa... Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, “bong bóng” của thị trường bất động sản đã đẩy mạnh tổng cầu của nền kinh tế (vốn đã mất cân đối) tạo ra hiệu ứng số nhân với các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác. Bên cạnh đó, vấn đề tăng công chi liên tục của hệ số nhân đã áp lực rất mạnh lên tổng cầu (nếu tăng công chi để đầu tư có hiệu quả sẽ tăng tổng cung, nên có thể cân đối trở lại ở mức cao hơn không làm mất cân đối tổng cung – tổng cầu); Nhưng nếu đầu tư không có hiệu quả sẽ trở thành nguyên nhân gây ra lạm phát).
      Với mục tiêu tăng xuất khẩu ròng, thì không chỉ năm 2007, mà có lẽ trong một số năm nữa cũng còn là số âm (năm 2007 âm 12,5 tỷ USD tương đương với gần 18% GDP, vượt xa ngưỡng 5% mà về lý thuyết người ta thường cảnh báo). Năm 2007, nền kinh tế nước ta xuất hiện một nghịch lý là cán cân thương mại thâm hụt đến 18% GDP, nhưng trên thị trường lại thừa USD đã gây khó khăn cho chính sách ổn định tỷ giá VNĐ của Chính phủ, trong điều kiện lạm phát cao. Việc bù đắp thâm hụt thương mại bằng các nguồn khác như FDI, FII, ODA, kiều hối, xuất khẩu lao động... đã tạo ra cảm giác yên tâm về sự an toàn trong cán cân thanh toán quốc tế và cũng từ đó không còn bức xúc trong việc đề ra các quyết sách để sớm đạt mục tiêu tăng xuất khẩu ròng (tăng xuất khẩu ròng là cách bảo đảm an toàn và căn cơ nhất trong cán cân vãng lai đối với các thị trường mới nổi lên).
      Dựa trên khung lý thuyết về 4 mục tiêu kinh tế vĩ mô để phân tích sơ bộ như trên để có cái nhìn rõ hơn những trạng thái của nền kinh tế mà những con số mang nặng tính chất thống kê không thể biểu cảm hết. Nếu hàng quý, 6 tháng và hàng năm có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá dựa trên phân tích tổng cung – tổng cầu của nền kinh tế; Gắn với nó các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ thì mới nhận diện được bản chất của nền kinh tế đang vận động. Nếu không phân tích các yếu tố đang tác động đến tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế để có cái nhìn tổng thể, mà cứ sử dụng các công cụ điều tiết cục bộ (như các biện pháp kiểm soát lạm phát) thì việc chữa bệnh đôi khi trở thành “tích bệnh”, dồn khó khăn về sau nhiều hơn. 
      Thông thường để điều tiết mối quan hệ giữa tổng cung – tổng cầu, Nhà nước sử dụng 4 nhóm công cụ chính sách nhằm định hướng vận động của thị trường bao gồm: Chính sách tài chính; Chính sách tiền tệ; Chính sách thu nhập; Chính sách kinh tế đối ngoại. Bốn nhóm chính sách trên sẽ hướng đến 4 mục tiêu kinh tế vĩ mô và cần thực hiện đồng bộ. Trong tình hình hiện nay (tính cả sự bất lợi của thị trường thế giới), có lẽ đang đặt chúng ta trước 2 mục tiêu mâu thuẫn phải lựa chọn: Hoặc tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng GDP trên 9% trong năm 2008 như chỉ tiêu đề ra; Hoặc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận tốc độ tăng trưởng GDP chậm hơn. Khi tình thế không cho phép chúng ta đạt cả hai, thì phải ưu tiên lựa chọn một mục tiêu mà thôi.

Ts Trần Du Lịch
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kinh tế Việt Nam- Nhìn từ giác độ các mục tiêu kinh tế vĩ mô
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO