Kinh tế Việt Nam 2011- 2020: Cơ hội và thách thức từ hội nhập toàn cầu

Anh Tú thực hiện 12/10/2010 00:00

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã nêu quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển và xác định các khâu đột phá, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Theo VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHIẾN LƯỢC CHÍNH SÁCH CÔNG NGHIỆP, BỘ CÔNG THƯƠNG PHAN ĐĂNG TUẤT, dự thảo cần phân tích kỹ hơn những cơ hội và thách thức của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Kinh tế Việt Nam 2011- 2020: Cơ hội và thách thức từ hội nhập toàn cầu ảnh 1

- Thưa Viện trưởng, qua nghiên cứu Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH 2011 – 2020, Viện trưởng thấy như thế nào?

- Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm tới cần phân tích kỹ hơn các yếu tố ngoại cảnh vì nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới. Cần làm rõ trong 10 năm qua, tình hình thế giới đã tạo thuận lợi cũng như thách thức gì cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta.  Chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội gì cũng cần mạnh dạn nêu rõ. Thực tế, chúng ta đã bỏ lỡ một số cơ hội, nhất là những cơ hội để phát triển một số ngành kinh tế kỹ thuật. Xác định rõ điều này mới làm nền cho định hướng phát triển KT-XH 10 năm tới. Tôi rất tán thành quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thế nhưng, quan niệm thế nào là độc lập, tự chủ trong hội nhập thì cần phải làm rõ. Ví dụ, độc lập tự chủ trong kinh tế có phải là chúng ta tự bảo đảm lấy an ninh lương thực, tự bảo đảm lấy những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không? Hay là chúng ta thực hiện bảo đảm độc lập, tự chủ lại chính bằng cái cách ngược lại là hội nhập sâu rộng hơn vì càng hội nhập sâu rộng thì độc lập tự chủ càng được bảo đảm?

- Viện trưởng có thể phân tích rõ hơn những cơ hội mà chúng ta đã bỏ lỡ để phát triển một số ngành kinh tế kỹ thuật thời gian qua?

- Ngay trong ngành năng lượng của chúng tôi cũng đã có nhiều cơ hội  thúc đẩy nhanh phát triển ngành năng lượng bị bỏ lỡ. Việc chậm cải cách giá điện là một cản trở rất lớn cho việc phát triển nhanh hệ thống điện. Hay việc chậm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng ta đã kéo dài thời gian phát triển công nghiệp lắp ráp với những cách nghĩ về quy mô công nghiệp phải to, hoành tráng, kêu gọi các tập đoàn công nghiệp lớn của nước ngoài đầu tư vào nhưng lại quên rằng, những ông khổng lồ mà chỉ lắp ráp thôi sẽ không có ý nghĩa bằng những nhà công nghiệp sản xuất chi tiết linh kiện, chuyển giao công nghệ, giúp chúng ta hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Chính công nghiệp hỗ trợ mới là cái cần phát triển. Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều năm mà đáng lẽ đến bây giờ phải có một hình hài công nghiệp hỗ trợ tốt hơn là thực trạng.

- Nếu trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa toàn cầu thì nền kinh tế nước ta sẽ càng vững mạnh hơn, thưa Viện trưởng?

- Công nghiệp hỗ trợ chính là móc xích đưa công nghiệp và nền kinh tế nước ta hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Đó là sự hội nhập thượng nguồn chứ không phải là hội nhập hạ nguồn. Tham gia vào sản xuất các chi tiết linh kiện, cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia thì chúng ta không chỉ hội nhập về kinh tế mà đó còn là sự bảo đảm cho sự phát triển bền vững về an ninh và độc lập, tự chủ quốc gia.

- Theo Viện trưởng thì những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong 10 năm tới sẽ là gì?

- 10 năm tới, nền kinh tế nước ta có cơ hội rất quan trọng về mặt kinh tế. Đó là sự dịch chuyển công nghiệp và kinh tế từ các thị trường, các nền kinh tế khác vào Việt Nam nhằm khai thác thị trường đang lên của nước ta. Sự dịch chuyển này còn được gọi là hiệu ứng đàn sếu. Cơ hội chuyển giao công nghệ kỹ thuật rất lớn, nhưng thách thức đi kèm là nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ sẽ rơi vào tình trạng nhập khẩu công nghệ bẩn của các nước này. Việc phát triển quá nhanh ngành thép ở nước ta thời gian qua là một ví dụ điển hình. Công nghệ kém không chỉ khiến chúng ra mất rất nhiều tài nguyên và năng lượng, ít tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao trình độ người lao động mà còn gây ô nhiễm môi trường khá nặng nề... Cần tranh thủ các cơ hội để thu hút các nền kinh tế phát triển hơn đầu tư vào nước ta bằng các nguồn lực tài chính mới, công nghệ nguồn mới. Cần định dạng rõ những yếu tố mà trong bối cảnh hội nhập sẽ tạo cơ hội và kèm theo đó là những thách thức, những yếu tố gây hại nguy hiểm để có các chính sách đón nhận, sàng lọc và kiên quyết loại trừ một cách khoa học và hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút kiều bào ở nước ngoài tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước, góp phần chuyển giao khoa học công nghệ và tạo cầu nối để hàng hóa nước ta tham gia vào chuỗi thương mại và sản xuất toàn cầu.

Tôi cũng rất tâm đắc với 3 đột phá chiến lược trong dự thảo là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng cần luận giải rõ, tại sao trong 10 năm tới đây lại là 3 khâu đột phá mang tính chiến lược? Hơn nữa dựa vào 3 đột phá này thì phần tổ chức thực hiện chiến lược cần phản ánh mạnh mẽ hơn sự tập trung tài lực cho việc giải quyết dứt điểm các đột phá này như thế nào.

- Xin cám ơn Viện trưởng!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Kinh tế Việt Nam 2011- 2020: Cơ hội và thách thức từ hội nhập toàn cầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO