Kinh tế Việt Nam - từ “trỗi dậy” đến “hùng cường”

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 06:54 - Chia sẻ
Sau 46 năm thống nhất đất nước và 35 năm đổi mới, từ vị thế một nước nghèo, được nhận biết qua cuộc chiến tranh giành độc lập, Việt Nam từng bước trở thành một nền kinh tế đang trỗi dậy. Đây là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa “khát vọng 2045” - đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới thời điểm hiện tại đã thay đổi căn bản so với đầu những năm 1990, khi đất nước bước vào cải cách và mở cửa. Liệu con đường đưa chúng ta đến mục tiêu thịnh vượng có cần phải đổi khác?

Chủ tịch Hội đồng quản trị Bee Logistics ĐINH HỮU THẠNH:
Cần thành lập một ủy ban cải cách

Trong giai đoạn tiếp theo, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam sẽ dựa vào việc xây dựng năng lực cốt lõi của nền kinh tế, thông qua việc phát triển kinh tế tư nhân, kết hợp với cải cách mạnh mẽ việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước và đầu tư nước ngoài. Trong đó, phải tạo ra sự liên kết lan toả giữa các thành phần kinh tế, đưa ra các giải pháp và cơ chế phù hơp nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp nội địa vững mạnh.

Tài nguyên cũng có hạn nên việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách thúc đẩy phát triển phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Chính phủ kiến tạo, liêm chính và nguyên tắc suy đoán vô tội của hệ thống hành pháp cần đi vào cuộc sống, từ đó góp phần tăng hơn nữa niềm tin của doanh nghiệp và nhân dân trong công cuộc phát triển đất nước. Cần thành lập một ủy ban cải cách với mục tiêu tăng niềm tin kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh an toàn thân thiện, tăng năng suất lao động, loại bỏ các cản trở cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, cần có hành động mạnh mẽ thúc đẩy và thực hiện thành công cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, bắt đầu từ việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng cơ chế quản lý chia sẻ dữ liệu lớn, khuyến khích số hoá và các cải tiến nhằm cắt giảm lãng phí về thời gian, thao tác và quy trình…

Biến mục tiêu của Đảng, Chính phủ thành tầm nhìn của toàn dân tộc, tôi tin Việt Nam chúng ta nhất định tận dụng được thời cơ từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam TRẦN ĐÌNH THIÊN:
Công khai, minh bạch thể chế mới khuyến khích làm giàu

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là quyết tâm rất lớn đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực, có quyết tâm hành động mạnh mẽ mới có thể đạt.

Hiện, tiềm năng nội lực của Việt Nam rất lớn. Minh chứng là nhiệm kỳ vừa qua, Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng phát triển khu vực tư nhân với việc ban hành Nghị quyết 10 - NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân. Thực tế cho thấy, trong những điều kiện khó khăn của kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta khôi phục nhanh, tăng trưởng và tạo thế ổn định vững chắc. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn rất yếu, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài. Nếu biết tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân thì nền kinh tế sẽ có mức tăng trưởng cao, lên tới 9 - 10% thay vì chỉ có trên dưới 7%. Duy trì mức tăng trưởng cao là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu.

Muốn vậy, thể chế phải tạo môi trường kinh doanh tốt và trở thành động lực khuyến khích khu vực nội địa, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp tư nhân. Phải khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để kéo đẳng cấp phát triển của khu vực này lên, vì hiện kinh tế nông hộ còn nhiều và trình độ thấp. Đặc biệt, chúng ta phải xóa bỏ triệt để việc phân bổ nguồn lực theo cơ chế xin - cho, tư duy “cơ chế đồng phục, nguồn lực chia đều” như hiện nay. Nếu không sẽ triệt tiêu sức sáng tạo của thị trường, trói buộc nội lực.

Mặt khác, Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định phải “khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự cường”. Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, điều này càng có ý nghĩa quan trọng, qua đó đặt nền móng vững chắc bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu. Đã đến lúc cần thay đổi trong quan niệm, phải coi “ý chí tự cường” là không lệ thuộc nước ngoài và không thua kém trong đua tranh quốc tế. Đối với “khát vọng phát triển”, cần phải tạo ra khát vọng làm giàu chân chính trong mỗi người. Để làm được điều này phải có cơ chế công khai, minh bạch, tạo tính cạnh tranh. Chỉ khi đó mới khuyến khích cán bộ, công chức, người dân làm giàu chân chính và sẽ không để đất nước tụt hậu.

ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):
Chính phủ phải đi đầu trong chuyển đổi số

Những năm qua, Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao của thế giới và bắt đầu tạo ra chuyển biến về chất. Ngay trong đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những nước dẫn đầu về tăng trưởng.

Vị thế kinh tế Việt Nam cũng thay đổi rất rõ. Các doanh nghiệp Việt đã có sự phát triển lớn mạnh, khẳng định vị thế, chiếm lĩnh và làm chủ được thị trường trong nước. Không những thế, nhiều tập đoàn doanh nghiệp mạnh đã bắt đầu vươn ra thế giới và tạo dựng được uy tín trên trường quốc tế. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã đặt chân vào các thị trường như Mỹ, EU… Đây chính là tiền đề cho thấy Việt Nam đã bắt đầu có những điều kiện, triển vọng vươn lên trở thành một nước phát triển hùng cường vào năm 2045.

Hiện tại, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua Malaysia, Singapore và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, đạt gần 3.500 USD/người. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 7%, đến năm 2045 Việt Nam sẽ đạt được mức GDP bình quân đầu người của những nước phát triển trên thế giới, khoảng 45.000 USD/người.

Tuy nhiên hành trình này không đơn giản. Để trở thành một nước hùng cường, giàu mạnh, trụ cột lớn nhất phải là kinh tế phải vươn lên ngang hàng với các nước giàu mạnh. Kinh nghiệm các nước từng được ví “con rồng châu Á” như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) cho thấy, để tạo ra sự phát triển bứt phá cần có một giai đoạn tăng trưởng cao trên 10%. Muốn vậy, không có con đường nào khác là phải tạo ra các yếu tố hoàn toàn mới mà các nước khác chưa đi qua. Đó là phải dựa vào việc ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật mới.

Rất may chúng ta đặt mục tiêu trở thành nước phát triển hùng cường khi thế giới đang diễn ra Cách mạng Công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng này không chỉ đơn thuần là sản xuất ra các thiết bị công nghệ số mà quan trọng nhất là ứng dụng vào đời sống kinh tế - xã hội và quản lý.

Theo đó, cần đẩy nhanh ứng dụng thành tựu công nghệ số vào tất cả các mặt của đời sống, chuyển đổi từ quản lý thông thường sang quản lý dựa vào công nghệ số. Chúng ta phải dám vứt bỏ đi thói quen cũ, phương thức hành động cũ; dám đổi mới, sáng tạo ra cái mới, bắt tay làm những cái trước nay chưa có, chưa ai dám làm; phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Nếu không có thể chế, cơ chế quản lý mới sẽ dẫn đến hai nguy cơ. Thứ nhất, các cơ quan quản lý không thể theo kịp hoạt động mới sẽ dẫn đến tình trạng không quản được thì cấm, kìm hãm sự phát triển. Thứ hai, không quản được nhưng cũng không cấm dẫn đến tình trạng các hoạt động đó phát triển tự do, tràn lan dễ gây hỗn loạn nền kinh tế.

Muốn chuyển đổi số, Chính phủ phải là cơ quan đi đầu. Chính phủ phải thay đổi phương thức quản lý mang tính hành chính, kiểm soát sang Chính phủ phục vụ với phương thức quản lý ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý số, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh mới ra đời, phát triển. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để tạo động lực phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Vietnam:
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng

Trong ngắn và trung hạn, kinh tế tư nhân vẫn đóng vai trò là động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng. Hiện tại, khu vực này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân cũng góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội... Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân phải được khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước để phát triển.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục thu hút FDI rất cần thiết, bởi đi cùng nguồn vốn này là vấn đề chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường, kiến thức kỹ năng mới, hỗ trợ Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thị trường trong nước ngày càng mở rộng với khoảng 96 triệu dân, trong đó 13% dân số được xếp vào tầng lớp trung lưu. Sức mua và nhu cầu sử dụng hàng hóa ở trong nước sẽ tăng cao trong thời gian tới. Cùng với đó, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đã ký kết sẽ mở ra thị trường rất lớn cho hàng hóa của Việt Nam.

Nếu chúng ta nắm được cơ hội này thông qua cải cách về môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả của chính quyền, hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư  thì chắc chắn sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp để Việt Nam có thể đi nhanh và đi vững hơn nữa đến mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045.

Nhóm PV