Kinh tế tập thể - điểm dựa cho bà con vùng cao

- Thứ Năm, 24/09/2020, 15:08 - Chia sẻ
Những năm gần đây những mô kinh tế tập thể (KTTT) mà trụ cột là hợp tác xã (HTX) đã phát huy tốt vai trò của mình trong phát triển kinh tế xã hội và ổn định đời sống cho người dân tại các huyện miền núi tỉnh Yên Bái. Những HTX này không chỉ dẫn dắt kinh tế khu vực mà còn là cầu nối để tiêu thụ sản phẩm cho người dân bản địa, mang lại lợi ích thiết thực và nhanh chóng.

Dẫn dắt sinh kế cho người dân

Được thành lập từ năm 2019, đến nay, HTX Hội Nông dân Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải – tỉnh Yên Bái) đã trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập, cũng hình thành thói quen, tập quán canh tác đúng kỹ thuật, đúng quy trình cho nông dân. HTX không những tạo được vùng nguyên liệu rau an toàn mà còn gây dựng được một cơ sở kinh doanh được ví như một chợ dân sinh thu nhỏ với đa dạng các mặt hàng thực phẩm. Tất cả nông sản của HTX sản xuất đều hướng an toàn từ khâu chọn đất, nước tưới, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế. Cơ sở kinh doanh của HTX với các khu vực sản xuất, sơ chế, kho bảo quản lạnh, khu giết mổ, khu bày bán sản phẩm cũng đã đưa vào hoạt động ổn định, không chỉ phục vụ nhu cầu mua lẻ sinh hoạt của người dân thị trấn mà còn cung cấp đầy đủ cho các trường học trên địa bàn. 

Mô hình trồng rau của HTX Hội Nông dân Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải – tỉnh Yên Bái) giúp mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Giàng A Lu – Giám đốc HTX cho biết: " HTX đã và đang cung cấp thực phẩm cho 4 trường học, tạo việc làm cho 12 lao động với mức thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng”. 

Cũng giống như HTX của ông Giàng A Lú, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận (xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã xây dựng mô hình trồng cam Đường canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Đỗ Quang Trọng - Giám đốc HTX cho biết, bằng những kiến thức học được, anh Trọng đã vận động bà con tham gia HTX, cải thiện đất nông nghiệp già cỗi để trồng cam cũng như hướng dẫn các xã viên canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nói không với thuốc bảo vệ thực vật vô cơ. Với quyết tâm của mình, anh Trọng đã thành công trong việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào hơn 70 ha cam của HTX.

Là thành viên của HTX, anh Nguyễn Văn Lâm chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi sản xuất manh mún nhỏ lẻ không có sự liên kết nên tình trạng được mùa mất giá diễn ra khá phổ biến, rồi sâu bệnh nữa, nhiều lúc tưởng chắc ăn nhưng đến lúc thu hoạch thì sâu "ăn” mất trắng. Từ khi tham gia HTX, có sự cộng đồng trách nhiệm, sản xuất theo đúng quy trình nên hiệu quả hơn hẳn"

Giờ đây, nhiều hộ dân đã đăng kí tham gia HTX, để từ đó hình thành mối liên kết an toàn theo chuỗi. Bằng những nỗ lực và những bước đi thận trọng, sản phẩm cam của HTX  bình quân mỗi năm thu hoạch được trên 500 tấn cam và đã có mặt ở một số siêu thị lớn như Big C và các hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các xã viên. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo chia sẻ của Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái Đỗ Nhân Đạo, tính đến hết tháng 7.2020, các HTX thu hút 28.000 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho trên 7.780 người. Doanh thu bình quân của HTX ước đạt 2.100 triệu đồng/năm, tăng trên 44% so với năm 2016; trong đó, doanh thu đối với thành viên ước đạt 1,3 tỷ đồng. Lãi bình quân 1 HTX 430 triệu đồng, tăng 69,9% so với năm 2016, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 55 triệu đồng/năm, tăng 59,4% so với năm 2016. "Các HTX cơ bản đã thể hiện bản chất, nguyên tắc, giá trị và đóng góp lớn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày một tăng”, ông Đỗ Nhân Đạo nhấn mạnh. 

Vườn cam theo tiêu chuẩn VietGab của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận (xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Để duy trì và phát huy những thành quả này, tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực triển khai Luật HTX năm 2012 và tham gia thực tế học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác. Tỉnh cũng thường xuyên hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường cho các hộ kinh doanh và HTX; tổ chức các hình thức giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh; khuyến khích thực hiện rộng rãi việc ký kết hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp với nông dân qua các HTX; hỗ trợ các HTX trên địa bàn huyện tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn và giúp đỡ các HTX công nghiệp, dịch vụ đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. 

Ông Đỗ Nhân Đạo cũng cho rằng, để phát triển mạnh HTX ở vùng cao, ngoài thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, bản thân mỗi HTX cũng phải tự khắc phục những hạn chế để phát triển ngày càng vững mạnh hơn.

Dương Lê