Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, mặt hàng sầu riêng mang về doanh thu xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022 (420 triệu USD).
Từ nay đến cuối năm, sầu riêng tiếp tục có lợi thế lớn về xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm ở Trung Quốc, thị trường nhập trên 90% sầu riêng Việt Nam, tăng cao.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho hay, tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước khi vùng sầu riêng tại Tây Nguyên vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, sầu riêng các nước khác đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh. Chính vì vậy, sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Đà tăng tốc xuất khẩu của sầu riêng chỉ mới bắt đầu từ quý IV.2022 khi Nghị định thư kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực. Đầu tháng 9.2022, Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư, từ đó mở ra những đơn hàng lớn liên tục được các doanh nghiệp xuất sang thị trường tỷ dân. Ngoài ra, giá sầu riêng của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các đối thủ nên ngày càng được ưa chuộng. Tính đến thời điểm này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt và cấp mã số cho gần 300 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói xuất khẩu chính thức sang thị trường này.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi cho phía bạn.
Trong những năm tới, sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi hiện tại các doanh nghiệp trong nước đang dồn vốn đầu tư mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao.