Kinh tế - Xã hội (Thị trường - Việc làm)

Xuất khẩu lao động hồi phục sau dịch bệnh

- Thứ Tư, 26/10/2022, 09:35 - Chia sẻ

Trong 7 tháng năm 2022, cả nước đã đưa 81.429 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% mục tiêu kế hoạch năm. Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người vùng dân tộc thiểu số đi lao động xuất khẩu đã được ban hành khiến cho xuất khẩu lao động cuối năm được dự báo tiếp tục khả quan.

Các thị trường đã mở cửa trở lại

Cho đến nay, hầu hết thị trường tiếp nhận người lao động Việt Nam đã mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, trong đó có 3 thị trường trọng điểm của nước ta.

6 nghề Nhật Bản đang cần nhiều lao động - Nguồn: nhatban24h.vn
6 nghề Nhật Bản đang cần nhiều lao động. Nguồn: nhatban24h.vn

Cụ thể, từ tháng 3.2022, Nhật Bản chính thức cho phép thực tập sinh nhập cảnh trở lại, nâng số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày từ 3.500 lên 5.000 người. Đài Loan (Trung Quốc) cũng tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trở lại từ 15.2.2022.

Hàn Quốc mở cửa sớm hơn, đón lao động nước ngoài sang làm việc từ tháng 5.2021. Chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình tại nước này trong năm 2022 ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021) với nhiều ngành nghề như sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, xây dựng, dịch vụ…

Việc các thị trường mở cửa trở lại đã giúp xuất khẩu lao động khởi sắc sau 2 năm trầm lắng vì các nước đóng cửa biên giới để chống dịch. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, cả nước đã đưa 81.429 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 90,8% mục tiêu kế hoạch năm (là 90.000 lao động), trong đó có 29.990 lao động nữ.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, lao động Việt Nam chủ yếu đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc với khoảng trên 90% chỉ tiêu; còn lại là thị trường Trung Đông, Đông Âu.

Tại khu vực châu Âu đã có 9 quốc gia tiếp nhận lao động phổ thông Việt Nam gồm Ba Lan, Lithuania, Hungary, Bulgaria, Cộng hòa Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia, Belarus và Bồ Đào Nha. Với thị trường châu Phi, một số nước tiếp nhận lao động Việt Nam là Algeria, Djibouti, công việc chủ yếu là hoàn thiện nhà, nội thất...

Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm - cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Như vậy, xuất khẩu lao động có thể xem là giải pháp tốt để thoát nghèo nhanh và bền vững.

Hỗ trợ người dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động từ nay đến cuối năm được dự báo tiếp tục khả quan. Dự kiến, năm nay số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đạt 105.000 người.

Lý do là hầu hết các nước đều đã thích ứng với dịch Covid-19 và đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Nhờ đó, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng, mang lại thời cơ thuận lợi cho lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người vùng dân tộc thiểu số đi lao động xuất khẩu đã được ban hành. Cụ thể, theo Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành tháng 9.2022, người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ giới thiệu, tư vấn về đi làm việc ở nước ngoài và hỗ trợ tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi xuất khẩu lao động.

Hoặc theo Nghị quyết số 83/NQ-CP do Chính phủ ban hành tháng 7.2022, người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để đi làm việc ở nước ngoài nếu có nhu cầu vay vốn đi làm việc ở Hàn Quốc có thể được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Những ngành nghề nước ngoài đang thiếu là lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khuyên người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao thì phải đầu tư tiền bạc, thời gian học để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong nghề của mình. Hiện mức thu nhập cho người lao động có trình độ chuyên môn nhất định khá cao. Ví dụ, người lao động sang Trung Đông có chứng chỉ nghề quốc tế sẽ nhận mức 1.200 - 1.500 USD/tháng thay vì mức thu nhập 400 - 500 USD, làm tốt thu nhập tới 1.800 - 2.000 USD.

4 lưu ý khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần lưu ý 4 điểm sau:

1) Liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài và tuyệt đối không thông qua trung gian.

2) Nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động trên các trang web doanh nghiệp với đuôi ".vn".

3) Nộp chi phí trực tiếp qua doanh nghiệp, không nộp qua trung gian hay các chi nhánh để tránh mất tiền oan.

4) Khi nộp tiền người lao động cần lấy phiếu thu có đủ dấu, tên doanh nghiệp.

Các trường hợp làm không đúng quy định, người lao động có thể khiếu nại tố cáo đến số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước 024.3824.9517, website: dolab.gov.vn. hoặc cơ quan chức năng gần nhất.

Vy Hương