Nhà nước ta luôn ưu tiên, chú trọng hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong các khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư chính là “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng... Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định trong giai đoạn 2021 - 2030 cần phải “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quá trình chuyển đổi số ngoài việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả đời sống kinh tế - xã hội màcòn là sự thay đổi tư duy, tập quán, cách làm khác với thực tiễn lâu nay. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp, từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan dân cử đến các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Có thể kể ra nhiều điểm sáng về chuyển đổi số như hệ thống cơ sở dữ liệu công dân, trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ,… nhưng mạnh mẽ và hiệu quả nhất có lẽ là trong lịch vực tài chính, ngân hàng với thuế điện tử, hải quan điện tử, fintech, ngân hàng số...
Nhà nước ta đã thấy rõ sự cần thiết, quan điểm, mục tiêu sửa đổi các luật có liên quan nhằm thể chế hóa chủ trương đó của Đảng để vừa chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật trước sự phát triển rất nhanh của các công nghệ mới đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia và từng địa phương, từng ngành và lĩnh vực, từng doanh nghiệp cụ thể.
Theo kế hoạch, Luật Giao dịch điện tử 2005 sẽ được sửa đổi, bổ sung, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả hoạt động giao dịch điện tử của đời sống xã hội, tạo khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để chuyển những giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 cũng sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung nhất là đối với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, kế toán, luật sư, công chứng, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo… để răn đe, ngăn ngừa và xử lý thích đáng các hành vi rửa tiền bất hợp pháp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, mối quan hệ đầu tư quốc tế.
Sang năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi hay Luật Ngân hàng Nhà nước sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi để theo kịp thực tiễn đang đặt ra cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Các doanh nghiệp đang chờ đón các quy định mới của Nhà nước về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là trong các lĩnh vực số hóa hoạt động thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, cho vay online, hỗ trợ định danh khách hàng điện tử, giao diện lập trình ứng dụng mở, ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa - robot trong chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn… Việc tích hợp các hệ thống cơ sở dữ liệu công dân, bảo hiểm, y tế, tài chính, tài sản cá nhân với việc phân quyền truy cập sẽ càng làm cho xã hội văn minh, minh bạch hơn, giảm thiểu các rủi ro về tài chính cho cả cộng đồng và doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, để xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu MyData và Open Banking, nền tảng của chuyển đổi số trong hoạt động tài chính, trong 2 năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 còn hoành hành, Quốc hội Hàn Quốc vẫn khẩn trương xem xét, sửa đổi, bổ sung các Luật Thông tin tín dụng (năm 2020), Luật Xử lý khiếu nại dân sự (năm 2020), Luật Chính phủ điện tử (năm 2021), Luật Khuyến khích công nghiệp dữ liệu và kích hoạt sử dụng dữ liệu (năm 2021) và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (2021). Chẳng thế mà, theo Cơ quan thông tin tín dụng Hàn Quốc KCIS, đã có tới 42 triệu người đăng ký ít nhất một trong số các ứng dụng MyData (số liệu ngày 31.7.2022) và 113% dân số có hoạt động kinh tế ở Hàn Quốc là 32 triệu người với 140 triệu tài khoản ngân hàng tham gia Open Banking, theo số liệu của Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc IBK.
Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ ánh sáng trên toàn cầu, một năm bằng cả chục năm, nên việc chậm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan vô hình chung sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước và chúng ta khó có thể bắt kịp các nước tiên tiến. Hơn nữa, chính các hoạt động tài chính, tín dụng trên nền tảng số sẽ giúp cắt giảm chi phí, tăng cường hiệu lực, hiệu quả đồng vốn, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngày 10.10 năm nay đánh dấu mốc quan trọng, khi lần đầu tiên trở thành Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Trước đó, ngày 22.4.2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 505/QĐ-Ttg lấy ngày 10.10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với ý nghĩa: số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ căn bản của máy tính và cũng là hình ảnh tượng trưng kinh điển cho công nghệ thông tin của trước đây và công nghệ số của thời đại ngày nay.
Việc tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
H.Lan