Địa phương chưa chủ động giám sát mã số xuất khẩu
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, so với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, cho thu hoạch quanh năm, đặc biệt là sầu riêng trái vụ.
Năm 2023, Việt Nam có khoảng 110.000ha trồng sầu riêng, sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn (gấp hơn 2 lần cả về diện tích và sản lượng so với năm 2018), trong đó xuất khẩu trên 600 nghìn tấn và thu về khoảng 2,2 tỷ USD. Năm 2024, diện tích trồng sầu riêng tăng lên khoảng 150.000ha, sản lượng dự kiến đạt 1,5 triệu tấn.
Với Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, Việt Nam còn có thêm lợi thế về thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường 1,4 tỷ dân này chỉ sau chưa đầy 2 năm ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật để xuất khẩu chính ngạch. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu chủ yếu sầu riêng của nước ta hiện nay.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện cả nước có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long - vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng.
Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều lô hàng sầu riêng nhận được cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Điều này xuất phát từ những bất cập trong quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói - đã được chỉ ra trong “Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững” do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức ngày 10.5 tại TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc kiểm tra, giám sát các mã số xuất khẩu sau khi được cấp theo đúng quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là Nghị định thư về sầu riêng đã ký với Trung Quốc. Tỷ lệ giám sát hiện còn thấp, thậm chí nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không thực hiện giám sát theo quy định. Việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa kịp thời và triệt để.
Bên cạnh đó, chất lượng giám sát chưa được cải thiện, có nơi giám sát còn lỏng lẻo, hình thức. Một số địa phương mặc dù có tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cao nhưng vẫn vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Nhiều địa phương, doanh nghiệp và tổ chức cá nhân chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực (con người và tài chính) cho giám sát các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng sau khi được phê duyệt.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, các hạn chế nêu trên xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của các tác nhân tham gia quản lý, sản xuất, thu mua của ngành hàng sầu riêng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo mà còn có nguy cơ đưa toàn bộ ngành hàng sầu riêng của Việt Nam bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hơn thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch
Trong bối cảnh giá trị xuất khẩu sầu riêng ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành sầu riêng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh việc bảo đảm đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt.
Nhằm hướng tới sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định quy mô các vùng trồng tập trung bảo đảm phù hợp với quy hoạch và định hướng đã được phê duyệt; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm; xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cho cây sầu riêng.
Đối với Cục Bảo vệ thực vật, Bộ yêu cầu xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu và có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các địa phương. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp gian lận và không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu nhiều lần. Chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu tăng cường kiểm tra kiểm dịch đối với các lô hàng sầu riêng xuất khẩu.
Cùng với đó, tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và các sản phẩm từ sầu riêng; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xác minh nguyên nhân và thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm; tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương, tổ chức, cá nhân về các quy định của nước nhập khẩu.
Về phía các địa phương, Bộ đề nghị chỉ đạo sản xuất phù hợp với định hướng phát triển ngành hàng; giảm thiểu tình trạng phát triển tự phát, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn trong mùa khô. Tăng cường vai trò, trách nhiệm, nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người sản xuất để thực hiện nghiêm túc các quy trình canh tác, thu hái; quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sầu riêng xuất khẩu bảo đảm yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực và kinh phí để thực hiện công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm nhiều lần. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.
Bộ cũng yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, thu hoạch đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư; thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi cần thiết. Các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường tuyên truyền, tập huấn phổ biến các quy định về mã số, quy định của nước nhập khẩu để nâng cao nhận thức cho hội viên và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu; duy trì và cải tiến điều kiện sản xuất tại vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số xuất khẩu…