Trong những năm gần đây, quả sầu riêng tiêu thụ thuận lợi, giá luôn ở mức cao, người trồng có lãi lớn, quy mô sản xuất sầu riêng tăng nhanh, nhất là tại các vùng tập trung Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng Tây Nguyên với phương thức trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt, hiện nay diện tích sầu riêng cả nước khoảng 151.000ha, phân bố tại các vùng sinh thái như: Tây Nguyên khoảng 75,488ha, đồng bằng sông Cửu Long khoảng 42,893ha, Đông Nam Bộ khoảng 25,366ha, Duyên hải Nam Trung Bộ 7,018ha.
Tây Nguyên với đặc điểm địa hình cao nguyên, khí hậu thuận lợi cho phát triển diện tích trồng sầu riêng. Tuy nhiên, vùng sản xuất sầu riêng còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn, trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu và yếu cả về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp theo quy định của nước nhập khẩu; việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền vững; nhận thức của đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trong việc quản lý, sử dụng mã số còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia chuỗi liên kết.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk nhận định, việc “tăng trưởng nóng” về diện tích, sản lượng sầu riêng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có biến động phát sinh của thị trường. Ngành hàng sầu riêng còn thiếu liên kết yếu vùng trồng, tổ chức sản xuất, hoạt động thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sầu riêng; nhiều vùng sản xuất sầu riêng còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán.
Bên cạnh đó một số huyện vẫn còn tình trạng người dân trồng sầu riêng trên những vùng đất chưa phù hợp, chưa đảm bảo nước tưới... chưa thực hiện tốt quy trình sản xuất, chưa kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm như rệp sáp, ruồi đục quả, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đề xuất giải pháp: Nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của một số HTX, Tổ hợp tác quản lý tốt mã số vùng trồng; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng-nồng độ và đúng cách) và chỉ thu hoạch sầu riêng khi đảm bảo độ chín; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; kiểm tra về pháp lý thương nhân, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng...
Để phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần hỗ trợ xây dựng và ban hành các quy trình chuẩn về canh tác, thu hoạch, sản xuất sầu riêng rải vụ, thích ứng biến đổi khí hậu theo các vùng sản xuất trọng điểm; rà soát, sửa đổi “TCVN 10739: 2015 - Sầu riêng quả tươi” và nâng cấp thành Quy chuẩn Việt Nam; trong đó bổ sung cụ thể chỉ tiêu hàm lượng chất khô, thời gian thu hoạch, quy cách thu hoạch cho phù hợp theo vùng, mùa vụ và các giống khác nhau, đảm bảo nâng cao chất lượng quả sầu riêng.
Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói và các chế tài xử lý vi phạm. Hướng dẫn các địa phương rà soát, xác định và điều chỉnh lại quy mô các vùng trồng tập trung đảm bảo phù hợp với phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2025 - 2030.