Công nghiệp hỗ trợ

Thông tin và kết nối - “vũ khí” để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

- Thứ Năm, 24/11/2022, 15:54 - Chia sẻ

Thiếu thông tin, thiếu kết nối và cả những mối quan hệ kinh doanh vững chắc đang là rào cản lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp linh kiện cần phải thông tin mạnh mẽ hơn, nắm bắt biến động thị trường nhanh nhạy hơn; các địa phương cũng cần vào cuộc để tăng khả năng kết nối, giúp các nhà đầu tư tìm kiếm đối tác Việt dễ dàng nhất có thể. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp Việt mới không bị thua ngay trên sân nhà.

Dư địa nhiều nhưng thiếu kết nối

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là con số quá thấp khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

Như vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ đang rất cần phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với quy mô lớn hơn, bao trùm hơn. Điều đó cho thấy, “mảnh đất” công nghiệp hỗ trợ còn quá nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Một trong những nguyên nhân của hiện trạng này là sự thiếu thông tin thị trường.

Ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng cho biết, công nghiệp chế tạo chiếm 90% ngành công nghiệp của Hải Phòng. Địa phương những năm qua cũng đã có sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỉnh có 321 doanh nghiệp hỗ trợ thì chủ yếu nằm ở khu vực FDI (chiếm 62%) và vấp phải khó khăn về việc liên kết, kết nối, hỗ trợ…

Thông tin và kết nối là “vũ khí” để doanh nghiệp Việt nâng cao sức canh tranh -0
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang thiếu cả thông tin và kết nối. Ảnh: ITN

Cũng theo ông Hải, làm và đầu tư công nghiệp hỗ trợ không chỉ là vấn đề thời gian mà cần vốn lớn, sự cạnh tranh lớn. Chưa kể, chỉ cần có sự biến động của thị trường thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. “Cụ thể như doanh nghiệp đều muốn kết nối nhưng cơ sở dữ liệu hiện nay chỉ có từ phía Bộ Công Thương đưa ra hồi năm 2020 nhưng cũng rất ít. Trong khi, toàn thị trường đang chuyển đổi số. Các địa phương nên kết hợp với nhau để cùng xây dựng cơ sở dữ liệu, tích hợp với cơ sở dữ liệu chung của Bộ Công thương để các doanh nghiệp dù ở trong hay ngoài nước đều có thể tiếp cận thông tin, kết nối được. Tuy nhiên, tính pháp lý của thông tin, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu”, ông Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi được hỏi, một số doanh nghiệp cho rằng, vai trò của Sở Công Thương các địa phương hết sức quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối. Điều đầu tiên mà bất kỳ doanh nghiệp trong nước hay FDI muốn đầu tư là tìm kiếm nhà cung cấp; nếu thông tin được phổ cập rộng rãi, họ sẽ có cơ sở dữ liệu để lựa chọn. Tuy nhiên, đa phần các thông tin hiện nay chỉ là thông qua các mối quan hệ, sự kết nối của riêng từng doanh nghiệp chứ không phải từ các kênh chính thống.

Kết nối để đưa thông tin đến nhà đầu tư

Để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, thông tin kết nối; báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) gửi Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023; đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.

Nhìn nhận những khó khăn của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Đà Nẵng cho biết, “Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ rất ủng hộ hình thành trung tâm cơ sở dữ liệu để chia sẻ kinh nghiệm giữa doanh nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Việc kết nối không chỉ có vấn đề đầu tư mà còn ở đào tạo. Những hiệp hội khi được kết nối với nhau có thể đưa thông tin doanh nghiệp địa phương đến rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, cung ứng”.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cơ sở dữ liệu là điều rất quan trọng và hết sức cần thiết. Đặc biệt trong xu hướng kinh tế số như hiện nay. Vì vậy, các cơ quan khi đưa ra dữ liệu phải cập nhật, tăng cường dữ liệu các doanh nghiệp khác, không chỉ ở các thành phố lớn, đồng thời chịu trách nhiệm về tính pháp lý với thông tin đưa ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài cũng rất khó khăn. Thời gian qua, Bộ Công thương đã có cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để động viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, cần tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, để doanh nghiệp FDI yên tâm sử dụng hàng. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, các cơ quan quản lý nhà nước trong chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền sẽ cố gắng cùng các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ phía doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc THACO Industries cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định lại chiến lược, mũi nhọn đang mạnh nhất cho sản phẩm gì và có thế mạnh trong công nghệ gì để tập trung phát triển. Trong đó, vai trò của những doanh nghiệp đầu đàn, đã tham gia chuỗi cung ứng cần kết nối, chia sẻ về công nghệ, quản trị và cả về đơn hàng để giúp các doanh nghiệp nhỏ tham gia chuỗi giá trị, trở thành nhà sản xuất. 

Tùng Dương
#