Thiếu thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp cho sản phẩm nông nghiệp
Trong bối cảnh thương mại quốc tế có xu hướng suy giảm khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xung đột địa chính trị leo thang; nhu cầu thị trường giảm do lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu; đồng Bảng mất giá so với USD khiến rủi ro tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng.
Ngoài ra, yêu cầu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, quy định sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; Dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương... sẽ là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ để có giải pháp thích ứng, từng bước xâm nhập thị trường Vương quốc Anh.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, thị trường Anh là thị trường khó tính bậc nhất thế giới, việc hàng hoá Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này cho thấy sự cải thiện về chất lượng, đồng thời thể hiện sự tác động tích cực của Hiệp định UKVFTA.Đây là tín hiệu rất đáng mừng vì hàng hoá Việt Nam đã vượt qua được hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn cao, khắt khe của thị trường.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất vào Anh vẫn còn khiêm tốn, thị phần hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh do thiếu thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp cho các ngành rau quả. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt chưa nghiên cứu sâu về thị hiếu của người tiêu dùng Anh. Bên cạnh đó, một số hàng hóa Việt xuất khẩu qua thị trường này nhưng lại lấy thương hiệu của Anh hay nước khác khi tiêu thụ làm cho thương hiệu của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Lý giải nguyên nhân về việc này, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô hoặc doanh nghiệp chủ yếu làm gia công. Nguyên liệu sản xuất ngành hàng không ổn định, công nghệ chế biến sâu chỉ đạt từ 13 - 18%. Cùng với đó, xu hướng tiêu thụ rau quả của người tiêu dùng Anh đang thay đổi, đi cùng các rào cản kỹ thuật, sự thay đổi của thị trường… cũng khiến kim ngạch xuất khẩu vào Anh chưa tương xứng với tiềm năng khi thị trường Anh đang có nhu cầu nhập khẩu mỗi năm trên 700 tỷ USD hàng hóa.
Nhằm tận dụng lợi thế của Hiệp định UKVFTA, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, chúng ta cần hoá giải các “điểm nghẽn” của hoạt động sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở những gói hỗ trợ ngắn hạn. Bên cạnh đó, tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia để tăng mức độ uy tín cho hàng hóa, sản phẩm tại thị trường Anh.
Thay đổi tư duy sản xuất theo các tiêu chuẩn của thị trường Anh
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị tới cộng đồng doanh nghiệp, cần chú ý đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thị trường Anh. Để làm được điều đó, cần xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, cải tiến giống cây trồng phù hợp; Đầu tư vào công nghệ chế biến, khâu bảo quản, đóng gói như vậy mới đưa sản phẩm vào được thị trường quốc tế.
“Đối với ngành rau quả, hiện đang rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương, hệ thống cơ quan Thương vụ tại nước ngoài hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hàng hoá, sản phẩm; tăng kết nối với các nhà nhập khẩu tiềm năng của Anh” - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường, thì công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường có vai trò hết sức quan trọng.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, doanh nghiệp Việt rất dễ bị vi phạm, như quy định về tiền lương tối thiểu, độ tuổi lao động. Bởi Anh là thị trường khắt khe đối với chất lượng hàng hoá của thế giới. Đơn cử, là thị trường tiêu thụ cà phê, tiêu rất lớn nên Anh thường xuyên quan tâm đến việc có gây dị ứng từ sản phẩm hay không. Điều này cho thấy, các tiêu chuẩn của thị trường rất chi tiết, ngay trong cả văn hoá tiêu dùng.
Vì vậy, theo ông Thủy, Nhà nước cần kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu về mặt cơ chế, chính sách pháp lý, sở hữu trí tuệ; Kết nối giao thông vùng nguyên liệu, tín dụng, xây dựng dữ liệu thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Thay đổi tư duy sản xuất trong các thành phần kinh tế, từ số lượng sang chất lượng và theo tiêu chuẩn của Anh.
Đặc biệt, Thương vụ Việt Nam tại Anh cần nắm vững thông tin thị trường, sự thay đổi về các tiêu chuẩn thói quen của người tiêu dùng để cung cấp cho doanh nghiệp, ngành hàng. Dự báo càng tốt thì tổ chức sản xuất sẽ được nâng lên và cần chú ý đến người tiêu dùng bản địa.
Phó Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Lan cho biết để khai thác dư địa của thị trường Anh trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hàng hoá, sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia; Phối hợp, hỗ trợ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo chuỗi, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp; Rà soát, kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các trường hợp có nguy cơ tranh chấp, chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ
Để có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu cũng như duy trì lâu dài thị phần tại thị trường Anh, doanh nghiệp Việt cần tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia để tăng mức độ uy tín cho sản phẩm, hàng hóa của mình. Thông qua đó, tận dụng tối đa lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).