Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững:

Tăng cường phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm

- Thứ Bảy, 15/10/2022, 06:23 - Chia sẻ

Xác định tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhân dân

Đa dạng hóa cách làm

Tại tỉnh Hòa Bình, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm ATTP được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú như: tập huấn, nói chuyện, hội nghị, hội thảo, phát thanh, truyền hình, tin bài... nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của toàn xã hội đối với vấn đề ATTP. Toàn tỉnh duy trì tổ chức “Tháng hành động vì ATTP” hàng năm, tạo hiệu ứng sâu rộng về truyền thông bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tăng cường lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các mẫu vi phạm đều được truy xuất nguồn gốc và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ năm 2018 - 2021 đã thực hiện 22 cuộc truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở có sản phẩm vi phạm về ATTP, xử lý vi phạm hành chính 12 cơ sở với tổng số tiền 109 triệu đồng; buộc thu hồi, tiêu hủy khối lượng lớn sản phẩm nông, lâm, thủy sản không bảo đảm ATTP.

Tăng cường phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm -0
Lực lượng liên ngành kiểm tra cơ sở thủy sản đông lạnh không rõ nguồn gốc. Nguồn: ITN

Còn ở Hà Giang, hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP năm 2022”, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tạo nên những đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, giảm thiểu các hành vi vi phạm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không an toàn. Bên cạnh các phương pháp truyền thống như: đài truyền thanh, loa phát thanh; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể; treo băng zôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi... các huyện, thành phố cũng chủ động sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn. Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Theo số liệu thống kê đến năm 2021, tỉnh Hà Giang đã xử lý 34 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 77.650.000 đồng; tiêu hủy 262kg thực phẩm các loại.

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp khẳng định, trong những năm qua, Bộ NN và PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương thường xuyên chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật về ATTP; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nhiều địa phương cũng xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn. Nhờ đó, ý thức “sản xuất sạch” của người sản xuất - kinh doanh được nâng lên; niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản trong nước ngày càng được củng cố.

Cần mạnh tay xử lý các vi phạm

Không phủ nhận những thành quả đã đạt, tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp thẳng thắn chia sẻ, công tác bảo đảm chất lượng ATTP hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục. Mới đây nhất, tại TP Hồ Chí Minh, vụ việc rau ở chợ được gắn mác rau VietGAP rồi đưa vào hệ thống siêu thị đã gây bức xúc trong Nhân dân. Đây là hành vi vi phạm về ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện lấy mẫu giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn rau quả đưa vào ba chợ lớn nhất TP Hồ Chí Minh là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng.

Thực tế, câu chuyện rau chợ được gắn mác rau VietGAP đưa vào siêu thị không chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi các vụ việc bị phanh phui, các cơ quan chức năng đều ngay lập tức vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Hàng năm, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Điều này cho thấy, các cơ quan quản lý không buông lỏng quản lý, nhưng để kiểm soát sâu sát, toàn diện, liên tục với mật độ dày hơn thì chưa làm được, nên các vi phạm về ATTP vẫn len lỏi khắp thị trường. Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc Bộ NN và PTNT rà soát tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài về vấn đề ATTP, từ đó sửa những nội dung không còn phù hợp. Bộ đã giao Cục Trồng trọt rà soát việc cấp chứng nhận VietGAP, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Công tác bảo đảm vệ sinh ATTP phải làm minh bạch, tử tế, không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước. Rau quả tiêu dùng trong nước hay xuất khẩu thì đều phải rõ nguồn gốc”.

Về phương án lâu dài, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản sẽ phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trình Bộ NN và PTNT chương trình đưa sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh ATTP vào cửa hàng. Đồng thời, các vùng nguyên liệu có mã vùng trồng cũng được xây dựng, với các thông tin như giống, quy trình canh tác, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến...

____
(Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản)

ĐÀO CẢNH