Trong bài viết "Tràn lan sản phẩm không tem nhãn phụ được rao bán công khai trên Shopee", Báo Đại biểu Nhân Dân đã nêu lên thực trạng hàng hoá không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt được rao bán công khai trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee.
Việc hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng đã gây ảnh hưởng trực đến quyền lợi người tiêu dùng dùng theo điều 8 và 9 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Bất chấp hàng hoá kém chất lượng vẫn được tiêu thụ mỗi ngày thông qua sàn TMĐT, kể từ năm 2019, Shopee đã 4 lần thay đổi phí bán hàng (đã bao gồm VAT). Cụ thể, ngày 01.04.2019, Shopee chính thức thu 2% phí thanh toán. Ngày 1.4.2021, phí thanh toán được tăng lên 2,2%. Từ ngày 1.4.2022 đến ngày 2.1.2023, phí thanh toán lại được tăng lên là 2,5%. Cho đến thời điểm ngày 3.1.2023, phí này chính thức được tăng lên là 3%.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi gian hàng trên Shopee đều phải đóng một số khoản cố định như phí thanh toán, phí giao dịch, phí dịch vụ. Phí thanh toán luôn bao gồm VAT (thuế giá trị gia tăng). Ngoài ra, còn có chi phí phạt và chi phí quảng cáo.
Với việc thay đổi phí bán hàng liên tục từ năm 2019 đến nay và số lượng đăng ký gian hàng gia tăng mỗi ngày, theo thống kê của nền tảng số liệu TMĐT Metric, Shopee chiếm tới 73% tổng doanh thu 4 sàn trong năm 2022 với khoảng 91.000 tỷ đồng trong khi ông lớn Lazada xếp thứ hai với khoảng 26.500 tỷ đồng. Doanh thu của Tiki và Sendo lần lượt là 5.700 tỷ đồng và gần 1.000 tỷ đồng.
Doanh thu khủng là vậy nhưng hiện nay cơ quan thuế đang quản lý đối với các tổ chức kinh doanh trên sàn (người bán, chủ sở hữu sàn, các đơn vị vận chuyển), theo cơ chế rủi ro.
Trên cơ sở thông tin quản lý thuế, cơ quan thuế tiến hành đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro của người nộp thuế để áp dụng biện pháp quản lý thuế phù hợp; trường hợp rủi ro thì áp dụng biện pháp thanh tra, kiểm tra.
Thời gian gần đây, các cơ quan thuế tập trung thanh tra, kiểm tra đối với chủ sở hữu sàn và các đơn vị vận chuyển, nhằm thu thập thông tin về hoạt động kinh doanh của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn.
Theo đó, đối với hoạt động của các cá nhân trên sàn (cá nhân bán hàng, cộng tác bán hàng liên kết) nhưng không hoặc chưa đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, nếu thuộc đối tượng quản lý thì cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn ấn định mức thuế khoán hàng năm.
Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động TMĐT thì căn cứ vào doanh thu thực tế phát sinh, yêu cầu hộ cá nhân tự thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan thuế rất khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trên nền tảng trực tuyến nên việc xảy ra thất thu NSNN đối với nhóm đối tượng này là khó tránh khỏi.
Theo quy định tại Thông tư số 100/2021/TT-BTC, trường hợp tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh, thì Cục Thuế phối hợp với sàn giao dịch TMĐT trong việc chia sẻ và cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế để quản lý thuế.
Tuy nhiên đến hiện tại, chủ sở hữu sàn Shopee chưa thực hiện cơ chế khai thay, nộp thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn theo ủy quyền dân sự. Một số Cục Thuế đã yêu cầu Shopee cung cấp thông tin, hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của sàn để khai thác thông tin đối với các giao dịch mua bán hàng trên sàn. Từ đó có thêm thông tin đối chiếu, phục vụ công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh.
Mặc dù vậy, công tác quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT Shopee đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết là số lượng cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn rất lớn, phạm vi hoạt động rộng khắp trên toàn quốc, cùng lúc trên nhiều nền tảng, loại hình kinh doanh đa dạng, không ổn định, thời gian kinh doanh là 24/7, gây khó khăn trong việc xác định doanh thu, thu nhập của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT.
Chưa kể, khi tham gia bán hàng trên sàn, người bán không cần phải cung cấp mã số thuế mà chỉ cần phải cung cấp một số thông tin bắt buộc như: tên, số điện thoại, chứng minh nhân dân/căn cước công dân...
Trong khi đó, khâu kiểm duyệt thông tin của sàn lỏng lẻo, dẫn đến thông tin để xác định định danh cá nhân không chính xác, hoặc có tình trạng sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký kinh doanh trên sàn. Điều này khiến cơ quan thuế khó theo dõi, quản lý cũng như xác định đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân thuộc diện quản lý thuế đã lập nhiều tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội... với mục đích giảm doanh thu mỗi tài khoản không quá 100 triệu đồng/năm, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thu thập thông tin nộp thuế.
Ngoài ra, nhiều hóa đơn mua bán hàng hóa có giá trị nhỏ giữa cá nhân trong nước và nước ngoài, dẫn đến việc yêu cầu tuân thủ thuế không dễ dàng khi số tiền nộp thuế phải đóng rất nhỏ, thậm chí thấp hơn chi phí tuân thủ thuế. Cá biệt, các chủ sở hữu sàn cũng thường viện lý do người cung cấp dịch vụ, kết nối người mua và người bán bảo mật thông tin khách hàng mà chưa phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Rõ ràng, khả năng thất thu ngân sách nhà nước từ thuế đối với kinh doanh TMĐT là rất lớn khi các cơ quan quản lý khó giám sát và thu thập thông tin kinh doanh trên nền tảng trực trực tuyến.
Mặt khác, việc thực hiện cung cấp thông tin các giao dịch mua bán trên sàn Shopee theo yêu cầu của từng cơ quan thuế vẫn còn riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ, khó tập hợp với thông tin thu thập từ các nguồn khác, khó xử lý và tổng hợp, đồng thời có thể khiến doanh nghiệp mất nhiều nguồn lực cho công việc này, tăng chi phí quản lý.
Liên quan đến việc các loại phí của Shopee đều đã bao gồm VAT, phóng viên đã liên hệ với Shopee qua số điện thoại 19001221. Tại đây, nhân viên tư vấn cho biết, cơ quan thuế là đơn vị có trách nhiệm về các loại phí đã bao gồm VAT theo quy định của Shopee cũng như vấn đề người bán phải đóng thuế khi nào.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin liên quan đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên các nền tảng xã hội tới bạn đọc và cử tri cả nước.