Cà phê Việt Nam mới chỉ chiếm 2,2% thị phần
Dẫn số liệu của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, trong năm 2023, Singapore đã nhập khẩu cà phê từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch khoảng 142,4 triệu SGD, giảm 5,57% so với 2022.
Cũng theo Cơ quan Thương vụ, nhóm cà phê chưa khử caffeine chiếm tỷ trọng chủ yếu tại thị trường Singapore (khoảng 84,09%), còn lại là các loại cà phê khử caffeine.
Chiếm thị phần chính tại Singapore là cà phê đã rang và xay chiếm gần 32,6% tổng lượng tiêu thụ; tiếp đến là cà phê Arabica chưa rang chiếm gần 21,5%; cà phê Arabica đã rang chưa xay chiếm 17,98%; cà phê Robusta chưa rang chiếm 11,6%. Cà phê Robusta đã rang chưa xay chỉ chiếm 0,32%. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 3 năm (2021 - 2023), nhóm các loại cà phê đã rang và xay khác gần như giảm toàn bộ thị phần, từ mức gần 34,3% xuống chỉ còn 0,18%.
Trong số 15 quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu vào Singapore, Malaysia dẫn đầu với 17,32% thị phần; tiếp đến lần lượt là Indonesia (16,57% thị phần); Thụy Sỹ (15,98%); Đức (7,83%); Brazil (7,44%)… Chỉ tính riêng 3 nước là Malaysia, Indonesia và Thụy Sỹ luôn dẫn đầu xuất khẩu cà phê vào Singapore, với gần 50% thị phần. Trong đó, Malaysia hiện đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần cà phê Arabica; Indonesia chiếm ưu thế hoàn toàn đối với các loại cà phê Robusta; Thụy Sỹ hiện là đối tác giữ thị phần cao nhất đối với cà phê rang xay nói chung.
Việt Nam là đối tác xuất khẩu cà phê thứ 9 tại thị trường Singapore với thị phần khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2,22%, với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt 3,161 nghìn SGD, trong khi Malaysia là 24,664 nghìn SGD và Indonesia là 23,589 nghìn SGD. Trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Singapore đạt 1,465 nghìn SGD, tăng 175,38% so cùng kỳ 2023 và chiếm 3,64% thị phần tại nước này.
Trong cơ cấu các mặt hàng cà phê xuất khẩu sang Singapore năm 2023, nhóm cà phê đã rang và xay có kim ngạch cao nhất, đạt hơn 1,42 triệu SGD, tiếp theo là nhóm cà phê Robusta chưa rang đạt 634 nghìn SGD. Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng nhóm cà phê Arabica chưa rang hiện tăng trưởng rất tốt (tăng 28% trong năm 2023 và 4,2 lần trong 3 tháng đầu năm nay).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu cà phê từ Singapore tăng mạnh, từ mức 40,51% trong năm 2022 (đạt gần 1,95 triệu SGD) lên 67,21% trong năm 2023 (đạt hơn 3,25 triệu SGD - cao hơn kim ngạch xuất khẩu cà phê từ Việt Nam sang Singapore).
Cơ quan Thương vụ đánh giá, mặc dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá tốt những năm gần đây nhưng thị phần của cà phê Việt Nam tại Singapore còn rất khiêm tốn so với các đối tác khác trong khu vực. Đáng nói, kim ngạch nhập khẩu cà phê từ Singapore có chiều hướng tăng, thậm chí đã vượt giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Điều này cho thấy “doanh nghiệp cà phê Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến thị trường Singapore”.
Xây dựng vùng nguyên liệu sạch
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 - 2024 (10.2023 - 3.2024), Việt Nam xuất khẩu 956 nghìn tấn cà phê, trị giá hơn 3 tỷ USD. Riêng trong tháng 3.2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 185 nghìn tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 680,86 triệu USD, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái do giá cà phê tăng mạnh. Mục tiêu trong năm nay, xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD. Muốn vậy, việc tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, mặc dù quy mô dân số nhỏ nhưng giá trị nhập khẩu cà phê của Singapore tương đối cao, khoảng 140 - 150 triệu SGD/năm, tương đương quy mô xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Thái Lan hoặc Indonesia. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm cà phê của Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Singapore mới chiếm khoảng 2,2% thị phần. Rõ ràng, tiềm năng của thị trường Singapore đối với cà phê Việt Nam còn khá lớn. Đặc biệt, ngoài nhu cầu tiêu dùng nội địa, Singapore còn là trung tâm thương mại trung chuyển hàng đầu khu vực mà nếu khai thác tốt sẽ giúp mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang các nước thứ ba.
Để thúc đẩy xuất khẩu cà phê sang “đảo quốc sư tử”, Cơ quan Thương vụ cho biết đang tích cực công tác kết nối với các doanh nghiệp cà phê của Việt Nam để đưa thông tin mặt hàng mà các nhà nhập khẩu Singapore đang tìm kiếm; kết nối với Hiệp hội các ngành công nghiệp, thương mại của Singapore để hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam. Song song với đó, cơ quan này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cũng cần chung tay với các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ cho biết, tỉnh hiện có hơn 100 nghìn ha trồng cà phê, với sản lượng khoảng 400 nghìn tấn/năm. Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vốn mỏng lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên khó đầu tư công nghệ chế biến. Vì thế, cà phê của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu thô, trong đó Singapore là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực. Ông Kỷ đề xuất, nếu có gói hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp thông qua hình thức tín chấp, chỉ cần mỗi ngân hàng cho vay 500 triệu đồng, cũng sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nói riêng, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung có nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững là xu thế tất yếu. Dự kiến, từ năm sau, EU sẽ áp dụng Quy định chống phá rừng (EUDR), trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này. Do đó, ông Kỷ cho rằng, cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu nông sản sạch gắn với chỉ dẫn địa lý và mã vùng trồng để nâng cao chất lượng xuất khẩu. “Nếu không sớm giải quyết vấn đề về vùng nguyên liệu sạch, không có chế tài cho người làm ăn gian dối thì thương hiệu nông sản Việt, bao gồm cả cà phê, sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi xuất khẩu”, ông Kỷ nói.