Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững:

Nâng cao vai trò, năng lực làm chủ của nông dân

- Thứ Sáu, 09/09/2022, 06:32 - Chia sẻ

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Nghị quyết 19-NQ/TW đã đưa ra giải pháp trọng tâm là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới và có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện.

Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa

Ngày 8.9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045; Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Việt cho biết, Nghị quyết 19-NQ/TW xác định mục tiêu chính đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6%/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao.

Quyết định 150/QĐ-TTg đặt mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, bền vững, sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực, thế giới.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nghị quyết 19-NQ/TW đã đưa ra giải pháp trọng tâm là nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân và cư dân nông thôn. Đây là điểm mới và có tính quyết định đến sự thành công trong thực hiện. Nghị quyết cũng đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ, nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng nông nghiệp bền vững, nông thôn phát triển toàn diện
Xây dựng nông nghiệp bền vững, nông thôn phát triển toàn diện
Nguồn: ITN

Bước chuyển tư duy kinh tế nông nghiệp

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19-NQ/TW và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn nêu quan điểm, cần cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ. Nghị quyết 19-NQ/TW và Chiến lược cũng nêu rõ, khoa học công nghệ không chỉ có nhiệm vụ tạo ra sản phẩm giá trị cao mà còn có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dưới góc độ địa phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Cao Văn Cường nhấn mạnh, khâu tổ chức rất quan trọng, do đó cần tập trung thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Thanh Hóa đang tập trung thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của nông dân. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng liên kết, hình thành các hợp tác xã, tỉnh sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh quy mô lớn, có giá trị gia tăng; xây dựng khu công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ...

Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đề xuất, để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp cần có hướng đi cụ thể như trồng cây dưới tán rừng, kéo dài chu kỳ khai thác gỗ… để địa phương triển khai. Đồng thời, Bộ cần quan tâm việc hình thành sự liên kết giữa các địa phương phía Bắc để phát triển thành vùng dược liệu, phát triển thế mạnh về đất và lâm nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp đang đứng trước các nguy cơ như biến đổi khí hậu, biến động về thị trường, biến chuyển xu hướng tiêu dùng. Điều này đòi hỏi ngành cần đổi mới tư duy, có những hành động cụ thể mới đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Vì vậy, các cấp, ngành và toàn xã hội cần có chính sách, tạo cơ hội về giáo dục, hướng nghiệp, khởi nghiệp cùng ngành nông nghiệp; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực của nông dân; tạo sự đột phá trong khoa học công nghệ, tận dụng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đẩy mạnh phát triển ngành bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, đối với Chương trình Xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành, địa phương cần có chiến lược quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi, đặc trưng của làng quê để nông thôn ngày thêm trù phú, đáng sống, chất lượng sống của người nông dân ngày một tốt hơn.

______

(Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản)

Hạnh Nhung