Ông lớn tài chính cho vay tiêu dùng
Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit Việt Nam) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008, với khoảng 6.000 nhân viên, mạng lưới 9.400 đối tác bán lẻ và hơn 14 triệu khách hàng trên cả nước.
Cho đến thời điểm hiện tại, có 16 công ty tài chính đang hoạt động chính thức tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 2 cái tên FE Credit và Home Credit đang chiếm lĩnh với thị phần áp đảo.
Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam có nguồn gốc Cộng hòa Czech, do PPF Group nắm giữ 100% vốn. Công ty cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng với ba ngành hàng chính: cho vay trả góp hàng tiêu dùng (xe máy, đồ gia dụng, điện tử, nội thất…), cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng.
Với hơn 6.000 nhân viên hiện diện trên khắp cả nước, Home Credit đã và đang phục vụ 12 triệu khách hàng, đồng thời, Home Credit đã kết nối hơn 3.000 điểm thanh toán Payoo, 4.000 điểm thanh toán MoMo, liên kết với hệ thống bưu cục của Bưu điện Việt Nam, hệ thống cửa hàng Viettel và các ngân hàng trên toàn quốc... Đến giữa năm 2019, Home Credit đã có khoảng 8,5 triệu khách hàng, dư nợ đạt khoảng 17.452 tỷ đồng.
Nguồn vốn Home Credit tăng liên tục lên gấp 4 lần từ đâu?
Theo báo cáo phân tích năm 2018 của Fiin Rating, Home Credit được xếp vào nhóm các công ty tài chính tiêu dùng "thận trọng" khi luôn duy trì tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và biên lợi nhuận ròng ở mức cao, trong khi tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với mặt bằng chung (khoảng 4% năm 2018). Số liệu nợ xấu của Home Credit không được công ty hoặc các tổ chức khác công bố thêm sau này.
Khác với nhóm các công ty tài chính tiêu dùng được hậu thuẫn bởi những ngân hàng mẹ trong nước (FE Credit - VPBank, HD Saison - HDBank, Mcredit - MB), Home Credit không có được những lợi thế về hệ thống khách hàng trong hệ sinh thái và nguồn vốn vay ưu đãi.
Trong năm 2022, công ty mẹ Home Credit cho biết muốn bán mảng kinh doanh thị 4 thị trường Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) với mức định giá dao động từ 2 tỷ USD đến 2,5 tỷ USD để cải thiện dòng tiền cho tập đoàn mẹ (PPF Group).
Một số nhà băng Nhật Bản như Mizuho Financial Group Inc.; Sumitomo Mitsui Financial Group Inc. và “ông lớn” gọi xe Grab cũng muốn tham gia mua lại tài sản của Home Credit.
Trong lần xếp hạng tín nhiệm lần đầu năm 2018, Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Home Credit Vietnam ở mức B+ và IDR ngắn hạn ở mức B, triển vọng ổn định.
Theo Fitch, Home Credit Việt Nam đã duy trì mức vốn hóa lành mạnh với tỷ lệ đòn bẩy trên vốn chủ sở hữu được quản lý dưới 4 lần kể từ năm 2013. Tuy nhiên, công ty tăng các khoản phải thu với tốc độ nhanh hơn so với vốn tự có trong những năm sau đó. Các khoản phải thu tăng 67% trong năm 2016 và tăng 52% trong năm 2017.
Fitch đánh giá các khoản phải thu của Home Credit không ở tỷ lệ thấp, với 2,1% tổng danh mục đầu tư năm 2017 và 2,6% trong năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức cao 11,0% trong năm 2017 (2016 là 11,7%), được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận ròng cao 30,3%. Tuy nhiên tỷ lệ này giảm dần sau đó, đến năm 2019 ROA ước đạt 6,1%.
Lợi nhuận của Home Credit Việt Nam đã sụt giảm hơn một nửa, từ mức 1.636 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 815 tỷ đồng năm 2019 và tiếp tục giảm 21,7% trong năm 2020 với 638 tỷ đồng.
Sự sụt giảm lợi nhuận của Home Credit đi cùng với sự tăng trưởng chậm lại của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong năm 2020 sau giai đoạn “vàng” 2014 - 2019 với tốc độ tăng trưởng kép khoảng 35%/năm.
Về huy động vốn, Home Credit được phép huy động dưới các hình thức như nhận tiền gửi của tổ chức; Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Số liệu ước tính của Fitch Ratings năm 2019 cho biết 55% tổng số tiền vay của Home Credit được tài trợ bởi các khoản vay ngân hàng và 45% từ chứng chỉ tiền gửi.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Home Credit Việt Nam đạt 22.316 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 4.639 tỷ đồng, chiếm 21% nguồn vốn.
Đến ngày 30.9.2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Miếng bánh tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn dư địa khá lớn nếu so với tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng của các nước phát triển (khoảng 50 - 60%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng đang cho thấy tín hiệu chậm lại, không còn những con số tăng trưởng cao từ 30-60% mỗi năm của giai đoạn trước.
Nguyên nhân của sự chậm lại này một phần do quy mô dư nợ đang ở mức cao so với trước đây và sự sụt giảm nhu cầu vay tiêu dùng của người dân doảnh hưởng từ sự suy yếu của nền kinh tế.
Sáng ngày 28.3, lực lượng công an có mặt phong tỏa, kiểm tra Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam tại Phường Thảo Điền - TP Thủ Đức - TP HCM. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Công an TP. Hồ Chí Minh và các quận, huyện đẩy mạnh rà soát, xử lý sai phạm tại nhiều công ty tài chính, thu hồi nợ trên địa bàn.
Phản hồi về thông tin này, Home Credit Việt Nam cho biết công ty đã nhận tin và phối hợp cùng công an phường Thảo Điền trong đợt kiểm tra hành chính các công ty tài chính tiêu dùng. Đợt kiểm tra đã được hoàn thành trong ngày.