Theo Golden Gate, điều 31, nghị định 01/2021/nđ-cp, địa điểm kinh doanh có thể hoạt động trên địa bàn ngoài địa chỉ thực hiện đăng ký trụ sở của chi nhánh.
Do vậy công ty đã đưa các địa điểm kinh doanh tại 39 tỉnh thành về thành địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh Miền Bắc hoặc Miền Nam, có trụ sở đăng ký tại Hà Nội hoặc TP.HCM.
Việc chấm dứt hoạt động của các chi nhánh tại 39 tỉnh thành nói trên nhằm mục đích đưa các địa điểm kinh doanh về quản lý tập trung nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Trước đó, theo nghị quyết ngày 1.3.2023, Golden Gate ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Công ty quyết định thời gian cụ thể triển khai việc chấm dứt hoạt động của từng chi nhánh. Các chi nhánh trải dài khắp cả nước, không có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Golden Gate được thành lập từ năm 2005, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vào năm 2008, hiện có vốn điều lệ hơn 77 tỷ đồng.
Giữa tháng 2 vừa qua, ban lãnh đạo Golden Gate đề xuất bổ sung 4 ngành nghề kinh doanh bao gồm: Hoạt động tư vấn quản lý; Bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi (minimarket); Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ tổng hợp khác qua website và ứng dụng điện thoại; Bán lẻ hình thức khác chưa được phân vào đâu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này dự kiến đổi tên công ty từ CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành CTCP Tập đoàn Golden Gate; chốt phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 65%, tương ứng 6.500 đồng/cổ phiếu, dự kiến thực hiện vào quý 2.2023.
Vốn là ông lớn trong ngành F&B với nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng như Vuvuzela, Sumo BBQ, Kichi Kichi, Gogi House… việc bổ sung ngành nghề kinh doanh cửa hàng tiện lợi cho thấy tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh sau 2 năm đại dịch.
Ngoài ra, công ty đang tìm kiếm thêm cơ hội ở một số lĩnh vực khác như mảng giao hàng (delivery) đã được manh nha trong mùa dịch hay lĩnh vực đồ uống – giải khát.
Golden Gate cũng được cho là đang nằm trong giai đoạn tái cấu trúc sau khi đón 3 nhà đầu tư mới vào tháng 03.2022 là Seletar Investments Pte Ltd (một quỹ đầu tư có quan hệ mật thiết với Temasek Holdings), Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte. Ltd. Nhóm nhà đầu tư này nắm giữ tổng cộng 2,74 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 35,95% vốn điều lệ của Golden Gate.
Liên quan đến các hoạt động của tài chính của Golden Gate, ngày 25.10.2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra Quyết định số 782/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) với tổng số tiền 195 triệu đồng.
Trước đó, tháng 07.2022, Golden Gate bị UBCKNN phạt tổng cộng 435 triệu đồng do giao dịch "chui".
Năm 2021, Golden Gate ghi nhận doanh thu đạt 3.318 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2020 do phải dóng cửa trong thời gian giãn cách phòng chống COVID-19 của Chính phủ. Kết quả, Golden Gate lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ năm 2008.