Đây là nội dung được các đại biểu, chuyên gia tập trung, thảo luận sôi nổi nhất tại “Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gia vị và đặc sản địa phương sang các thị trường trọng điểm” do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức.
Các đại biểu phân tích xu hướng thị trường và những thuận lợi, khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp tăng cường chế biến sâu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng gia vị Việt Nam.
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm “xanh”
Báo cáo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm gia vị, đặc sản địa phương chất lượng cao đã có mặt tại thị trường quốc tế hoặc đang có tiềm năng xuất khẩu, điển hình là: hồ tiêu, quế, hồi,… Riêng đối với cây quế, diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 171.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu... Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, đạt 46.000 tấn, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, sản lượng hàng năm ước khoảng 20.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha... Do đó, sản phẩm chất lượng, an toàn, chuyển đổi quy trình canh tác bền vững là yêu cầu tất yếu nếu muốn xây dựng chiến lược phát triển ngành gia vị bền vững cạnh tranh toàn cầu.
Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp trao đổi trực tiếp tại Diễn đàn và trực tuyến các điểm cầu
Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam Lê Việt Anh chia sẻ, xu hướng thị trường gia vị toàn cầu hiện nay và thời gian tới là tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng; các sản phẩm giá trị gia tăng, hữu cơ.
Ông Việt Anh khẳng định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về xuất khẩu gia vị nhất là khi có các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... Đặc biệt, nhận thức về canh tác và thương mại bền vững, chất lượng sản phẩm của người nông dân Việt Nam ngày càng được cải thiện; các doanh nghiệp chủ động tham gia liên kết sản xuất, tăng cường chế biến sâu cũng là những lợi thế của Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu về gia vị của các thị trường vẫn ở mức cao, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn nếu nỗ lực thúc đẩy sản xuất, chế biến gia vị theo xu thế của thị trường.
Thách thức từ những đòi hỏi “khắt khe” của thị trường
"Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gia vị và đặc sản địa phương sang các thị trường trọng điểm là diễn đàn đầu tiên, chuyên sâu về ngành hàng gia vị Việt Nam. Đây sẽ là sự khởi đầu cho rất nhiều công việc cần triển khai để ngành hàng này thực sự là ngành hàng chủ lực của nước ta. Ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu chính là tư liệu tham khảo quý báu để chúng tôi có cơ sở tham mưu Bộ NN và PTNT sớm có cơ chế, chính sách, chiến lược để phát triển ngành hàng này trong thời gian tới." - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, dù có nhiều tiềm năng và kết quả nổi bật, song ngành gia vị Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngoại trừ hồ tiêu, còn các mặt hàng gia vị khác như quế, hoa hồi, ớt… chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia. Trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu vốn, đầu tư công nghệ chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, là các yếu tố bất ổn địa chính trị cũng có thể là nguyên nhân tiếp tục gây ra những xáo trộn về giá hơn là yếu tố cung cầu. Trong khi sự cạnh tranh từ các nước sản xuất khác như hồ tiêu ở Brazil, quế ở Indonesia và Trung Quốc vẫn luôn luôn dai dẳng.
Ngoài ra, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu sẽ là thách thức chính đối với ngành nông nghiệp trên toàn cầu trong khi các loại chi phí tiếp tục gia tăng sẽ tác động lớn đến nguồn cung; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, các yêu cầu và quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về rào cản phi thuế quan tiếp tục gia tăng, cùng với đó là các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng.
Toàn cảnh các đại biểu dự Diễn đàn tại Hà Nội
Theo ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU, thị trường châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Hơn 95% hàng nhập khẩu từ bên ngoài châu Âu đến từ các nước đang phát triển. Ngoài ra, giá nhập khẩu trung bình ở châu Âu cao hơn so với hầu hết các khu vực khác. Điều này khiến châu Âu trở thành thị trường mục tiêu cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển. Châu Âu ngày càng tăng nhu cầu đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới, các sản phẩm gia vị có lợi cho sức sức khỏe và dùng gia vị, hương liệu trong ẩm thực. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý thị trường này sẽ áp dụng một số yêu cầu bắt buộc đối với gia vị, hương liệu nhập khẩu vào châu Âu như kiểm soát thực phẩm chính thức, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm,…
Theo các đại biểu, những đòi hỏi “khắt khe” từ thị trường đang là thách thức lớn đối với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gia vị Việt Nam. Bởi, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng trên một số cây gia vị vẫn chưa thể kiểm soát tuyệt đối. Từ thực tế địa phương có nhiều tiềm năng xuất khẩu gia vị với trên 40.000ha hồi, 6.000ha quế, 1.500ha ớt,… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu mong muốn Bộ tiếp tục có các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các hộ sản xuất về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với vùng nhập khẩu để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, nắm bắt các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện xuất khẩu nông sản sang thị trường thế giới.
Để đẩy mạnh xuất khẩu gia vị sang các thị trường, các đại biểu cho rằng, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến, đa dạng loại hình sản phẩm. Tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tham gia vào các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư dây chuyền, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế để cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh, chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm giúp doanh nghiệp tăng vị thế và uy tín. Đồng thời, doanh nghiệp tìm hiểu nắm bắt những thay đổi thị hiếu tiêu dùng ở từng thị trường. Ngoài ra, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục có sự đồng hành với người nông dân, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ từ đầu vào cho tới đầu ra của sản phẩm, liên kết sản xuất, xây dựng vùng trồng để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị xuất khẩu cho các loại cây gia vị của Việt Nam.
------------------
(Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường)