Không thể phủ nhận, hiện nay các công ty Fintech đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo thống kê của Fintechnews, số lượng startup trong lĩnh vực này đã tăng hơn 207% trong giai đoạn 2016-2020, từ 40 công ty năm 2016 lên 123 công ty vào năm 2020. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc thống trị, chiếm 31% số lượng các công ty Fintech.
Có hàng chục công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, trong đó, 5 ví điện tử lớn nhất là MoMo, Payoo, Moca, Zalo Pay và Vietel Pay. Với hơn 4 triệu người tiêu dùng, toàn hệ thống xử lý lên tới 214,6 triệu món giao dịch với số tiền trên 91.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trong lĩnh vực P2P Lending có hơn 40 công ty hoạt động cung cấp sản phẩm cho vay nhanh.
Hoạt động cho vay nhanh một mặt hỗ trợ khách hàng có thêm các khoản vay tín chấp ngắn hạn, phù hợp với điều kiện tiêu dùng. Mặt khác, hoạt động này còn thu hút một lượng nhà đầu tư bỏ tiền thông qua các app trung gian và lấy lãi từ 15-18%/năm.
Bên cạnh những công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, cho vay ngang hàng (P2P Lending), trên thị trường còn xuất hiện nhiều app Fintech có dấu hiệu huy động vốn và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với nhà đầu tư.
Một trong số ứng dụng Fintech nổi lên trong thời gian gần đây là Finhay do Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam thành lập năm 2017 với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Finhay tự giới thiệu là ứng dụng kết nối nhà đầu tư với các kênh tài chính, các kênh này đầu tư, đưa ra cam kết sinh lời và chuyển lợi nhuận cho khách hàng.
Cách thức hoạt động là người dùng chỉ cần nạp từ 50.000 đồng trở lên thông qua app Finhay với lợi nhuận từ 5-17% một năm. Tài sản của Người dùng sẽ được chuyển tới Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 01/TVAM-FINHAY.
Cam kết là thế nhưng kết quả kinh doanh của Finhay lại không mấy khả quan nếu không muốn nói là "ảm đạm".
Nhìn lại quá trình kinh doanh của Finhay, năm 2017, doanh nghiệp chỉ ghi nhận khoản doanh thu "cò con" ở mức hơn 6 triệu đồng. Đến năm 2018, doanh thu tăng trưởng lên mức 87 triệu đồng, năm 2019 đạt 303 triệu đồng. Năm 2020 đánh dấu bước nhảy vọt doanh thu của Finhay khi đạt mức 2,8 tỷ đồng và đến hết năm 2021 đạt mức gần 14 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2021 doanh thu tăng mạnh so với 2017 nhưng năm 2021 Finhay gặp phải tình trạng giá vốn vượt qua doanh thu dẫn tới khoản lỗ gộp hơn 2 tỷ đồng và cũng là lần lỗ gộp đầu tiên kể từ 2017 đến 2021.
Ở chiều ngược lại với doanh thu, từ năm 2017 đến 2021, Finhay Việt Nam liên tục ghi nhận lỗ sau thuế.
Cụ thể, năm 2017, Finhay Việt Nam báo lỗ sau thuế hơn 5 triệu đồng, lỗ 933 triệu đồng năm 2018, lỗ 417 triệu năm 2019, lỗ 21 tỷ đồng năm 2020 và lỗ gần 63 tỷ đồng năm 2021.
Về tình hình tài chính, tính đến hết năm 2021, tổng tài sản của Finhay đạt mức 2.137 tỷ đồng, tăng mạnh so với một năm trước đó. Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Finhay tính đến cuối năm 2021 đạt mức 2.064 tỷ đồng tăng 1.373 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu tính đến ngày 31.12.2021, vốn chủ sở hữu Finhay Việt Nam đạt khoảng 74 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ của Finhay Việt Nam là hơn 27 lần, cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính cực kỳ cao.
Trước thực trạng kinh doanh liên tiếp thua lỗ, nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu doanh nghiệp có đủ "sức khỏe" để thực hiện cam kết "an tâm sinh lời" như quảng cáo nêu trên hay không?
Bên cạnh đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, hết năm 2021, Finhay đang đối diện với tình trạng dòng tiền kinh doanh âm gần 15 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư âm 7,6 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương hơn 19 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong năm đang âm 3,2 tỷ đồng. Hết năm 2021, Finhay Việt Nam có tiền và tương đương tiền đạt mức 26 tỷ đồng, giảm 4 tỷ đồng so với một năm trước đó.
Finhay bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo
Năm 2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhắc tên Finhay và một vài ứng dụng của các công ty Fintech khác về việc sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Khung pháp lý chưa hoàn thiện
Theo Luật sư Vi Văn Diện (Đoàn luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Luật Thiên Minh, ở nước ta, hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, P2P lending, mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới... đều chưa có quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh và đối diện với nhiều rủi ro. Bởi vậy, các doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật, cái gì không được làm thì không nên làm để tránh rủi ro cho hệ thống tài chính và nhà đầu tư.