Nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Dự báo năm nay, kim ngạch xuất khâu dệt may có thể 42 - 43 tỷ USD.
Tuy vậy, khả năng nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu dệt may của Việt Nam chưa lớn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa. Trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may đạt khoảng 46 - 47%.
Hiện nay, ngành dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2021, nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may đều tăng khá cao so với năm trước, trong đó nhập khẩu mặt hàng vải các loại của cả nước đạt 14,3 tỷ USD, tăng 20,62% so với năm 2020. Trong 8 tháng năm 2022, trung bình mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu, bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày…
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp dệt may nước ta đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP và EU như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Lý do là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu.
Việc phát triển công nghệ hỗ trợ ngành dệt may đang rất khó khăn, ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Thế giới tại Việt Nam xác nhận. Ông cho biết, hiện rất khó triển khai các dự án dệt, nhuộm, do các địa phương e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn xả thải đối với các doanh nghiệp dệt nhuộm của Việt Nam tương đương với tiêu chuẩn các nước phát triển, trong khi không có chính sách hỗ trợ đi kèm (xử lý nước thải tập trung, hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải, ...) khiến cho các doanh nghiệp dệt nhuộm gặp nhiều khó khăn và thách thức khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ với dệt may nói riêng đang rất nhiều hạn chế, có thể nói là đang bị “bỏ trống” khiến hầu hết các nguyên liệu đều phải nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến lợi thế về giá của các sản phẩm làm ra.
Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh
Theo các chuyên gia, thay đổi quan điểm đối với ngành dệt nhuộm cũng như tăng cường thu hút đầu tư vào sản xuất vải là xu hướng tất yếu của ngành dệt may Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành dệt may cần phát triển theo hướng hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước, liên kết chặt chẽ với công nghiệp thời trang, nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và tận dụng các FTA đã ký kết, qua đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong nước, dần dần cải thiện năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần tiếp tục tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp với xu thế tiêu dùng mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTA buộc doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi. Đây là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.
Theo ông, ngành dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường. Nhà nước cần xem xét hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu.