Đèo Cả sẵn sàng cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

- Thứ Hai, 07/11/2022, 06:30 - Chia sẻ

“Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là dự án quan trọng quốc gia, Tập đoàn Đèo Cả xác định đây là cơ hội và cũng là thách thức để chứng minh năng lực. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo cho đại công trường này”, ông PHAN VĂN THẮNG - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết.

Đã và đang chuẩn bị mọi nguồn lực

- Là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả tự tin với những yếu tố nào để được lựa chọn tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, thưa ông?

- Tập đoàn Đèo Cả đã có kinh nghiệm quản lý điều hành, trực tiếp tổ chức thi công nhiều dự án lớn, có kỹ thuật phức tạp như chuỗi công trình hầm đường bộ ở khu vực miền Trung gồm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, hầm Bao Biển và cầu Cửa Lục ở tỉnh Quảng Ninh... Các dự án này chúng tôi đều hoàn thành vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, đặc biệt luôn tiết giảm được chi phí.

Với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 mà Tập đoàn Đèo Cả đang tham gia thi công như cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu,… chúng tôi được các chủ đầu tư đánh giá là làm tốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn. Qua đó, Đèo Cả tiếp tục tạo thêm niềm tin với Chính phủ, bộ, ngành, người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã và đang tiếp tục chuẩn bị các nguồn lực từ con người, máy móc thiết bị, tài chính thông qua việc hợp tác với các trường đào tạo, các nhà cung cấp, các tổ chức tài chính… để sẵn sàng tham gia thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

- Tập đoàn Đèo Cả đã chuẩn bị như thế nào để bảo đảm việc thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, nếu được lựa chọn?

- Ngoài kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian dài, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư máy móc thiết bị, kết nối với các đối tác doanh nghiệp. Riêng năm 2022 chúng tôi đã tuyển dụng hơn 1.700 nhân sự, đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để mua sắm bổ sung máy móc thiết bị.

Bên cạnh đó, chúng tôi liên kết với các đơn vị để bảo đảm các nguồn cung ứng vật tư vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, như thực hiện hợp đồng bình ổn giá cho các vật liệu thép, xăng dầu, nhựa đường… Đồng thời hợp tác liên danh, liên kết với các đối tác để cộng nguồn lực, thiết bị tiên tiến… dễ dàng huy động cũng như làm việc với các ngân hàng để bảo đảm nguồn vốn và kiểm soát dòng tiền.

Nên phân loại nhà thầu để phân chia gói thầu cho phù hợp

- Quan điểm của Đèo Cả về phân chia gói thầu cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025?

- Đầu tiên, Đèo Cả hoàn toàn đồng thuận với chỉ đạo của Chính phủ về phương án phân chia gói thầu phải bảo đảm thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành và giảm được các thủ tục không cần thiết.

Hầm Hải Vân - hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á do Tập đoàn Đèo cả thực hiện. Ảnh: Minh Anh

Để xác định được giá trị các gói thầu phù hợp, trước hết, Bộ Giao thông Vận tải và các ban quản lý phải có đánh giá năng lực đối với các nhà thầu trong nước hiện nay, phân loại nhà thầu theo 3 mức lớn, vừa và nhỏ. Từ bức tranh tổng thể đó, xác định nhà thầu nào có thể tham gia, tham gia được bao nhiêu và tham gia tại những hạng mục nào. Những nhà thầu nào có thế mạnh, kinh nghiệm thực tế đã thực hiện các công trình đặc thù thì ưu tiên phân công tham gia thi công hạng mục đó. Chỉ khi đứng trước cơ hội đảm trách các gói thầu lớn, các nhà thầu lớn sẽ có động lực để mạnh dạn đầu tư củng cố nguồn nhân lực và vật lực, mua sắm trang thiết bị thi công hiện đại, nâng cao hiệu suất và kỹ thuật thi công.

Theo chúng tôi, nên phân chia gói thầu ở mức lớn (từ 5.000 - 10.000 tỷ đồng/gói) cho các nhà thầu lớn và những gói ở mức vừa (từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng) cho các nhà thầu đáp ứng mức vừa. Việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn có thế mạnh trong những công trình đặc thù để tận dụng tối ưu tiềm lực của các nhà thầu mạnh, đồng thời cũng là cơ hội để tạo sự phát triển, nâng tầm của các doanh nghiệp xây lắp hiện nay.

Với sự phân chia này, tất cả các nhà thầu đều có khả năng thể hiện năng lực thực thụ, cùng ganh đua để đưa dự án về đích đúng hẹn, cũng như thêm 1 bài kiểm tra năng lực cho các doanh nghiệp sắp tới tham gia đại dự án đường sắt tốc độ cao...

- Theo ông, đâu là các rủi ro có thể xảy ra khi cao tốc Bắc - Nam bước vào giai đoạn thi công?

- Nhìn lại cao tốc giai đoạn 1, gói thầu nào được thiết kế, lập dự toán cẩn thận, bảo đảm đúng, đủ chi phí cho nhà thầu thì công tác thi công hết sức thuận lợi, bảo đảm tiến độ. Gói thầu nào không bảo đảm chi phí, cùng với sự cẩu thả của đơn vị thiết kế, thẩm tra, thẩm định trong công tác xác định nguồn vật liệu, bãi đổ thải, tuyến đường tiếp cận, biện pháp tổ chức thi công… thì gặp rất nhiều khó khăn cho cả Ban quản lý, địa phương chứ không riêng gì nhà thầu.

Thứ 2 là giá cả vật liệu. Thời gian qua, Nhà nước có nhiều biện pháp để bình ổn giá, tuy nhiên, với diễn biến tình hình thế giới ngày càng phức tạp, các tình huống bất khả kháng hoàn toàn có thể lặp lại như giai đoạn 1, dẫn đến khó khăn về nguồn cung, vận chuyển, giá cả.

Thứ 3 là nguồn vốn, dòng tiền. Sau khi tiết kiệm 5%, phần lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ gần như không còn. Cùng với sự gắng sức tại giai đoạn 1, thì nếu không có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, các đơn vị sẽ bị hụt hơi ngay khi bước vào giai đoạn 2.

- Như vậy, để triển khai hiệu quả dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Thứ nhất, đối với các nhà thầu nên tập trung nguồn lực, ưu tiên chi phí để cho công tác tổ chức điều hành sản xuất tại hiện trường, chuẩn bị nguồn tài chính để bảo đảm dòng tiền phục vụ sản xuất trong mọi điều kiện như dự phòng vật liệu như sắt thép, xi măng, nhựa đường… Ban hành các quy chế, quy định kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, có sự giám sát của các bên bảo đảm kiểm soát chi phí được đưa đúng đủ vào công trình. Thành lập tổ kiểm soát chất lượng, tiến độ để chủ động kiểm tra, đánh giá kết quả khắc phục kịp thời tránh sai sót.

Thứ 2, đối với cơ quan quản lý nhà nước, khi cấp quyết định đầu tư công trình phải xác lập các tiêu chí đánh giá, điều kiện tiên quyết để lựa chọn nhà thầu đáp ứng về năng lực (kinh nghiệm thực tế, thiết bị, tài chính…) và loại bỏ các đơn vị nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực nhưng được gửi gắm. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm cụ thể giữa các đơn vị liên quan nhằm tránh trường hợp các bên đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến chậm, hoặc không có phương án xử lý.

Minh Anh